Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Những điểm riêng cần lưu ý

Ngoài những trường tuyển sinh theo đề án riêng, năm nay một số trường thi “ba chung” cũng thay đổi cách tuyển để chọn đúng thực lực thí sinh, cũng như quy định những điều kiện tuyển sinh riêng. Những điểm riêng của các trường thi “ba chung” nếu thí sinh không chú ý khi khai hồ sơ đăng ký dự thi thì dù trúng tuyển cũng sẽ bị loại.

Chú ý chuyên ngành

Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, ngoài việc ghi tên ngành và mã ngành theo quy định, thí sinh phải ghi thêm tên chuyên ngành trong hồ sơ đăng ký dự thi (đối với những ngành có nhiều chuyên ngành). Bởi một số trường lấy điểm trúng tuyển theo chuyên ngành mà không lấy theo ngành, do đó nếu không ghi tên chuyên ngành thì sau này thí sinh sẽ bị thiệt thòi vì không thể trúng tuyển do làm hồ sơ sai.

Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) có ba ngành thí sinh phải chú ý là kinh tế, luật kinh tế, luật. Với mã ngành kinh tế, thí sinh phải ghi tên chuyên ngành kinh tế học hoặc kinh tế và quản lý công; với mã ngành luật kinh tế, cần chọn ghi chuyên ngành luật thương mại quốc tế hoặc luật kinh doanh; với mã ngành luật, cần chọn chuyên ngành luật tài chính-ngân hàng hoặc luật dân sự. Để thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ngoài ghi tên ngành, mã ngành, tên chuyên ngành thì học viện quy định cả mã chuyên ngành, đồng thời khi đi thi phải đăng ký mã chuyên ngành vào danh sách tại phòng thi.

Đáng chú ý, nếu ghi sai tên chuyên ngành sẽ bị loại do điểm trúng tuyển của mỗi chuyên ngành mỗi khác thì thí sinh cần chú ý ghi sai chuyên ngành còn ảnh hưởng đến bằng cấp. Chẳng hạn, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) có hai loại, bằng do trường cấp và bằng do trường đại học đối tác cấp cho sinh viên thuộc chương trình liên kết. Do tên ngành và mã ngành cả hai loại bằng cấp này đều như nhau nên khi khai hồ sơ, thí sinh học các ngành đào tạo liên kết với đại học nước ngoài phải ghi rõ thông tin “chương trình liên kết + tên trường đại học liên kết” (ví dụ: Tên ngành: Quản trị kinh doanh, chuyên ngành: Chương trình liên kết Trường ĐH Nottingham).

Thiếu tá Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Phụ trách phía Nam Cục Đào tạo (Bộ Công an), tư vấn cho thí sinh dự thi vào các trường công an năm 2014. Ảnh: QUỐC DŨNG

Năm nay Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển sinh các ngành sư phạm gồm toán học, sinh học, tin học, vật lý và hóa học theo hai chương trình đào tạo: Một chương trình đào tạo sư phạm bằng tiếng Việt và một chương trình đào tạo dạy các môn tương ứng bằng tiếng Anh. Thí sinh có nguyện vọng học chương trình bằng tiếng Anh phải ghi rõ tên ngành kèm theo “dạy bằng tiếng Anh” trong hồ sơ đăng ký dự thi.

Coi chừng mất quyền dự thi

Tại một số trường tổ chức thi “ba chung” nhưng không thi một vài khối, thí sinh phải mượn một trường khác để dự thi “nhờ”. Nếu không nắm được quy định này, thí sinh sẽ mất cơ hội vào đại học. Chẳng hạn, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (cơ sở Hà Nội và TP.HCM) tuyển cả ba khối A, A1 và D1 nhưng chỉ tổ chức thi khối A và A1. Còn khối D1 lấy kết quả thi chung của những thí sinh dự thi khối D1 ở các trường đại học trong cả nước (có nguyện vọng 1 vào học tại học viện) để xét tuyển. Như vậy trong hồ sơ đăng ký dự thi, ngoài mục 2 (mượn trường dự thi) thí sinh phải ghi thêm mục 3 (đầy đủ tên ngành, mã ngành, tên trường).

Đây là năm đầu tiên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức sơ tuyển dựa trên kết quả học tập THPT. Hình thức sơ tuyển là xét tổng điểm trung bình ba môn thuộc khối thi từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Nếu điểm chuẩn sơ tuyển lớn hơn 21 điểm, sẽ lấy tiếp cho đến hết các thí sinh đạt 21 điểm. Nếu thí sinh không nắm được hình thức sơ tuyển này thì dù có nộp hồ sơ đăng ký cũng không được dự thi.

Các trường sư phạm bắt buộc thí sinh không bị dị tật, không nói ngọng, không nói lắp. Nữ cao từ 1,5 m; nam cao từ 1,55 m trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, thí sinh không thi sơ tuyển nhưng phải đảm bảo chiều cao và cân nặng theo quy định chung của ngành học thể dục thể thao:
tối thiểu nam cao 1,65 m, nặng 45 kg trở lên; nữ cao 1,55 m, nặng 40 kg trở lên. “Thí sinh nào không đảm bảo được các yêu cầu, nếu trúng tuyển sẽ bị loại khi nhập học” là quy định của các trường. Do đó dù không sơ tuyển trước nhưng thí sinh phải tự sàng lọc.

QUỐC DŨNG

 

Điểm riêng vào trường công an, quân đội

Năm 2014, việc sơ tuyển tuyển sinh vào các trường công an bắt đầu từ ngày 1-3 đến 15-4. Thí sinh có bất cứ hình xăm nào trên cơ thể đều không được dự tuyển. Chiều cao và cân nặng vào ngành công an cũng giới hạn. Thí sinh nam không cao quá 1,8 m và không dưới 1,64 m, cân nặng từ 48 kg đến 75 kg. Giới hạn chiều cao với thí sinh nữ là 1,58-1,75 m, cân nặng 45-60 kg.

Đặc biệt, năm nay thí sinh muốn đăng ký dự thi vào các trường công an chỉ cần đạt học lực trung bình trở lên theo học bạ THPT. Đồng thời, Bộ Công an cho phép thí sinh có tổng thị lực hai mắt đạt 10/20 được dự thi nhưng phải cam kết điều trị để khi trúng tuyển thị lực phải bảo đảm theo quy định (đảm bảo tổng thị lực hai mắt tối thiểu từ 19/20 trở lên) trước khi nhập học.

Đối với trường quân đội, việc sơ tuyển cũng kết thúc ngày 15-4. Thí sinh dự thi không được có bất cứ hình xăm kinh dị, kỳ quái, phản cảm trên cơ thể. Ảnh làm hồ sơ của thí sinh không được xử lý kỹ thuật số bằng các phần mềm. Mặc dù thí sinh đã qua vòng sơ tuyển tại ban tuyển sinh quân sự cấp quận, huyện và đã trúng tuyển vào các trường quân đội, vẫn phải khám kiểm tra lại sức khỏe tại các bệnh viện quân đội. Nếu thấy điều kiện sức khỏe thí sinh không bảo đảm thì sẽ chuyển nguyện vọng của thí sinh sang hệ dân sự của trường quân đội hoặc sang các trường ĐH-CĐ ngoài quân đội.

Không nhận “thi nhờ”, giới hạn vùng tuyển

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không nhận hồ sơ mượn trường để dự thi vào trường khác và giới hạn chỉ tuyển thí sinh từ Thừa Thiên-Huế trở ra. Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM chỉ tuyển thí sinh các tỉnh thuộc ĐBSCL học tại Cần Thơ và thí sinh năm tỉnh Tây Nguyên học tại Đà Lạt. Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM tuyển từ Quảng Trị trở vào. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tuyển khu vực ĐBCSL, miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Các trường thuộc tỉnh chỉ tuyển ngành sư phạm trong tỉnh, ngành ngoài sư phạm tuyển cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm