PGS. TS. Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng cho biết, việc tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Luật TP.HCM gồm hai bước.
Bước 1: Xét tuyển
Căn cứ vào điểm trung bình chung tích lũy của ba năm học THPT chiếm tỷ trọng 20%, điểm thi THPT quốc gia, chiếm 60%. Ngoài ra căn cứ số lượng thí sinh đăng ký, Hội đồng tuyển sinh trường xét điểm từ cao xuống thấp để xác định điểm chuẩn xét tuyển và thông báo cho thí sinh đạt bước 1.
Bước 2: Thí sinh làm bài kiểm tra khả năng về lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp và tư duy logic của thí sinh. Bài kiểm tra này sẽ chiếm tỉ trọng 20% điểm trúng tuyển vào Trường.
Cấu trúc bài kiểm tra gồm hai phần trắc nghiệm và tự luận. Trong đó mỗi phần chiếm 50% số điểm của bài kiểm tra. Thời gian làm bài kiểm tra phần trắc nghiệm 45 phút, phần tự luận 60 phút.
Nội dung các câu hỏi trong đề kiểm tra liên quan đến các vấn đề như kỹ năng ngôn ngữ tiếng Việt; Kiến thức tổng hợp về chính trị, xã hội, kinh tế, lịch sử, địa lý, nông thôn, giới tính; Quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người, đạo đức công dân: Tư duy logic, khả năng lập luận. Về nội dung kiểm tra có phần về nông thôn, ông Hải giải thích, số thí sinh thi vào trường ở khu vực nông thôn qua các kỳ tuyển sinh chiếm số lượng khá lớn, vì vậy Trường đưa phần này vào để thí sinh nông thôn không bị thiệt thòi.
“Để làm bài kiểm tra, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào nên sẽ không tạo áp lực gì cho họ. Những vấn đề nhà trường kiểm tra là kiến thức phổ quát về lịch sử, chính trị, xã hội, quan niệm về sự công bằng xã hội, tư duy kinh tế mà mỗi công dân có được trong quá trình trưởng thành của mình. Riêng các câu hỏi tư duy logic nhằm đánh giá khả năng và kỹ năng tự thân của thí sinh trong việc xử lý các vấn đề, tình huống đời thường”, ông Hải lưu ý.
PGS. TS. Trần Hoàng Hải đánh giá, bài kiểm tra nhằm giúp nhà trường và thí sinh đạt các mục tiêu tìm ra các thí sinh có tố chất, tư duy logic, hiểu biết về kiến thức công dân, quan niệm đúng về công bằng xã hội (đối với thí sinh ngành luật); có tư duy kinh tế (sinh viên ngành quản trị kinh doanh) nhằm đáp ứng vai trò, nhiệm vụ của người làm công tác pháp luật, kinh tế trong lương lai.
Đồng thời bài kiểm tra giúp nhà trường có thêm kênh thông tin để hạn chế tối đa các trường hợp may rủi, học tài thi phận của thí sinh. Cơ cấu xét tuyển 20%, 60% và 20% thí sinh được đánh giá một cách toàn diện cả quá trình học THPT, thi tốt nghiệp THPT và kiến thức tổng hợp. Qua đó cũng giúp thí sinh bước đầu xác định việc học tại Trường Đại học Luật TP.HCM là phù hợp với khả năng của bản thân. “Việc kiểm tra này phù hợp với xu hướng học luật của các quốc gia phát triển trên thế giới. Trường có tham khảo mô hình LSAT (một chứng chỉ cần có để được xét vào các trường luật), được áp dụng ở Hoa Kỳ, Úc”, PGS.TS Trần Hoàng Hải, cho biết.
Thạc sỹ Lê Văn Hiển, Phó phòng Đào tạo Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, dự kiến từ 01-6 đến 10-7-2015, Trường sẽ mở mạng để thí sinh đăng ký điểm trung bình chung tích lũy của ba năm học THPT. Từ 21-7 đến 25-7-2015, Trường sẽ nhập điểm thi THPT quốc gia của thí sinh từ dữ liệu chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp và xử lý dữ liệu; Cuối tháng 7-2015, sau khi đánh giá kết quả tỷ trọng điểm ba năm THPT và điểm thi quốc gia THPT, Nhà trường sẽ khẩn trương thông báo đến các thí sinh đạt yêu cầu để thí sinh chuẩn bị tham gia kiểm tra tại các địa điểm do trường tổ chức tại TP.HCM. |