Theo báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT TP.HCM, trong ngày thi thứ hai, môn toán có 81.675 thí sinh (TS) dự thi, vắng 594 em. Còn buổi chiều, các môn chuyên có 6.415 TS dự thi, vắng 288 em.
Nhìn chung, kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có TS hay giáo viên vi phạm quy chế thi.
Môn toán không quá khó
Tại điểm thi Trường THCS Minh Đức, quận 1, sau 120 phút làm bài thi môn toán, hầu hết TS đều nhận định đề thi không quá khó.
Em Lê Tấn Dũng, học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, cho biết đề thi không đánh đố. So với những năm trước, đề dễ hơn ở phần bài toán thực tế.
Nhìn chung so với năm ngoái, cả ba môn thi năm nay đều giảm mức độ khó. Môn văn đề mở nên em viết khá tốt. Môn Anh em hơi tiếc vì làm sai một số ý. Em tự tin sẽ đậu nguyện vọng 1 vào Trường THPT Trưng Vương, quận 1.
Tấn Dũng cho biết thêm, sau khi xem xét và nắm bắt tình hình từ bạn bè, em nghĩ điểm chuẩn năm nay sẽ tăng 1-2 điểm.
Đánh giá về đề thi, thầy Nguyễn Ngọc Hòa, Tổ trưởng Tổ toán-tin Trường THCS An Lạc, quận Bình Tân, cho hay đề thi năm nay có cấu trúc tương tự năm ngoái, đề gồm tám câu.
Câu 1 là vẽ đồ thị hàm số và tìm giao điểm. Câu 2 là ứng dụng định lý Vi-et. Câu 3 là bài toán thực tế yêu cầu học sinh về kỹ năng đọc hiểu. Câu 4 là bài thực tế giá cước điện thoại về hàm số bậc nhất vận dụng giải hệ phương trình. Câu 5 là dạng tính tiền. Câu 6 về hình không gian, câu 7 về giải bài toán bằng cách lập phương trình, còn câu 8 là góc nội tiếp đường tròn.
Đa số bài toán đều có các ý từ dễ đến khó để phân loại học sinh. Không có câu hỏi quá khó, mang tính hàn lâm mà chủ yếu là câu hỏi mang tính thực tiễn, yêu cầu kỹ năng đọc hiểu, tư duy, phân tích và lập luận. Như vậy, phần cơ bản học sinh có thể làm tốt câu 1, 2, 4.
Riêng câu 8 hình học có ba phần, mỗi phần có hai ý, các ý đều là kiến thức cơ bản và vận dụng để chứng minh. Học sinh cần vẽ hình đúng và nhận diện để vận dụng do hình có vẽ nhiều đường.
Nhìn chung học sinh trung bình khá dễ đạt 5-6,5 điểm. Nếu học sinh có kỹ năng tư duy, tính toán tốt có thể đạt 8-9 điểm và sẽ có nhiều điểm 10 hơn.
Thí sinh ra về sau giờ thi toán tại điểm thi THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Điểm chuẩn sẽ tăng
Đánh giá tổng quan về đề thi tuyển sinh 10 năm học 2020-2021, thầy Hòa cho biết đề toán không quá khó, đề văn học sinh làm khá tốt, do đó điểm chuẩn có thể tăng 1-2 điểm, tập trung ở các trường tốp trên.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Khoa, giáo viên Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh, cho biết năm nay có lẽ do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động học tập nên mức độ khó của đề thi môn toán giảm .Vì thế, dự đoán phổ điểm tập trung 4, 5, 6 điểm. Mức điểm 7 trở lên sẽ xuất hiện nhiều.
Với tình hình đề thi toán cũng như theo dõi hai môn thi vừa qua, thầy Khoa cho biết điểm chuẩn năm nay sẽ tăng, cụ thể ở mức 1-2 điểm.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, cho hay đề văn không khó, gần gũi, vừa sức học sinh; đề thi môn toán và tiếng Anh cũng được nhận xét không đánh đố.
“Với mức độ đề như thế, số TS đạt điểm khá ( 6,5-7,75 điểm) sẽ nhiều nhưng để đạt điểm giỏi từ 8 điểm trở lên không nhiều. Cho nên tôi nghĩ điểm chuẩn sẽ tăng nhưng không nhiều, từ 0,5 đến 1 điểm. Điểm chuẩn sẽ tăng rõ rệt ở trường tốp 2 và tốp 3. Còn các trường tốp 1 có lẽ không có nhiều biến động” - thầy Bảo giải thích.
Còn cô Nguyễn Bích Chi, giáo viên Trường THCS Vân Đồn, quận 4, cho biết năm nay đề thi môn tiếng Anh dễ hơn năm ngoái. Mức độ phân hóa học sinh khoảng sáu câu, chiếm 1,5 điểm, do vậy điểm sàn của môn này sẽ cao hơn. Vì thế, điểm chuẩn năm nay sẽ có sự thay đổi.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, chia sẻ đa số giáo viên nhận xét đề thi môn văn thú vị, tuy nhiên để đạt điểm cao không dễ. Để làm tốt phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học đòi hỏi học sinh phải có chiều sâu và có sự trải nghiệm từ thực tế.
Đối với đề tiếng Anh, mặt bằng chung dễ nhưng cũng có phân hóa, phổ điểm từ 7 đến 7,5. Còn môn toán, cấu trúc thi tương tự nhưng cách đặt vấn đề của bài toán thực tế hơi khác. Nếu học sinh không nắm rõ, khó có thể làm tốt. Do đó, điểm chuẩn năm nay biến động không nhiều, có thể tăng hơn so với năm rồi vì đề tiếng Anh dễ.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Kim Hùng, giáo viên Trường THCS Lữ Gia, quận 11, lại có suy nghĩ khác.
Thầy Hùng chia sẻ đề toán cũng như mọi năm, phần toán thực tế học sinh có thể làm được, phần hình học có sự phân hóa. Nói về điểm chuẩn, thầy Hùng cho rằng điểm chuẩn có thể vẫn ổn định như năm trước.
Dự kiến ngày 27-7 công bố điểm thi tuyển sinh 10 Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 đã được Sở GD&ĐT công bố, ngày 19-7, sau khi thảo luận đáp án, hướng dẫn nghiệp vụ chấm thi, ban chấm thi sẽ bắt đầu chấm. Dự kiến từ ngày 24 đến 26-7: Ban chấm thi, tổ thư ký, tổ làm phách sẽ đối sánh kết quả bài thi với kết quả trên máy tính, ghép điểm thi. Ngày 27-7: Công bố kết quả thi. Ngày 28-7: In giấy báo điểm tuyển sinh 10. Từ ngày 27 đến 29-7: Nhận đơn xin phúc khảo bài thi. Ngày 29-7: Công bố kết quả điểm số và điểm chuẩn tuyển sinh THPT chuyên, tích hợp và diện tuyển thẳng. Ngày 21-8: Công bố điểm chuẩn tuyển sinh 10 và danh sách TS trúng tuyển vào lớp 10. |