Đó là con số được đưa ra tại tọa đàm công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 30-9.
Theo ông Tạ Minh Thành, Phó phòng Công tác tư pháp khác (Bộ Tư pháp), sáu tháng đầu năm các Sở Tư pháp phía Nam đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.095 văn bản, tự kiểm tra 320 văn bản.
Qua kiểm tra đã phát hiện 29 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền và nội dung ban hành, 43 văn bản sai về hình thức, kỹ thuật trình bày. Qua đó cơ quan kiểm tra đã chủ động trao đổi với các cơ quan ban hành văn bản để rút kinh nghiệm và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Công tác rà soát kiểm tra luôn gắn với những quy định gần gũi với người dân và sự phát triển kinh tế, cải cách hành chính của các địa phương như các văn bản liên quan đến Luật Công chứng, Luật Dân sự, Luật Hộ tịch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Một số nơi công tác này được tiến hành đồng bộ, tích cực, tạo sự thống nhất về cơ chế chính sách góp phần hoàn thiện pháp luật. Sở Tư pháp TP.HCM là nơi mà công tác kiểm tra rà soát văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng và được Cục Công tác phía Nam đánh giá rất cao.
Cũng theo ông Thanh, mặt hạn chế là công tác kiểm tra chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều văn bản có dấu hiệu trái luật chưa được phát hiện kịp thời hoặc đã phát hiện nhưng chưa xử lý. Cơ chế để khắc phục hậu quả các văn bản trái pháp luật như đề xuất biện pháp xử lý cơ quan ban hành sai chưa nghiêm khắc, mới chỉ dừng ở phê bình, nhắc nhở, trong khi hậu quả văn bản trái luật khá lớn. Có khi mới chỉ tập trung rà soát về hiệu lực của văn bản mà chưa chú ý đến nội dung. Hầu hết các tỉnh phía Nam chưa xây dựng cơ sở dữ liệu rà soát văn bản
Nguyên nhân chủ quan có nhiều nhưng nổi bật ba vấn đề chính: Tinh thần trách nhiệm của cơ quan ban hành chưa cao; nhân sự kiểm tra còn mỏng; cơ sở kỹ thuật hạ tầng về công nghệ thông tin chưa hiện đại. Về khách quan thì các bộ, ngành, địa phương đang có xu hướng ngày càng ban hành nhiều loại văn bản.
Việc kiểm tra còn sợ đụng chạm lợi ích nhiều ngành nhiều cấp, việc xác định tình trạng pháp lý của văn bản còn khó khăn do chưa tuân thủ về kỹ thuật trình bày. Kinh phí hỗ trợ cho công tác rà soát còn hạn chế, nhân sự mỏng…
Toàn cảnh tọa đàm
Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cho biết trong nửa năm qua cơ quan này đã chủ động kiểm tra văn bản do HĐND, UBND TP ban hành, phát hiện 11 văn bản có dấu hiệu trái luật và đã đề xuất hướng xử lý.
Kiểm tra theo thẩm quyền thì Sở đã tiến hành 18 văn bản do các quận, huyện gửi lên, phát hiện năm văn bản có dấu hiệu vi phạm. Tham mưu cho UBND TP rà soát có 194 văn bản của HĐND, UBND hết hiệu lực trong năm 2015, đang tiếp tục trong năm 2016..
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Phú yên thì cho biết trong năm 2015 và tám tháng năm 2016 Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên đã kiểm tra được 104 văn bản do UBND và HĐND tỉnh ban hành, đã kiến nghị xử lý ba văn bản. Kiểm tra theo thẩm quyền ở cấp huyện 184 văn bản, xử lý 18 văn bản, phòng tư pháp cấp huyện kiểm tra 73, phát hiện tới 32 văn bản không phù hợp.
Bà Phan Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, cho rằng địa phương đang gặp khó trong việc việc kiểm tra các văn bản hành chính cá biệt chứa đựng quy phạm pháp luật. Bởi luật không có quy định cơ quan ban hành loại văn bản này phải gửi lên cấp trên nên Sở Tư pháp khó tiếp cận, chỉ khi nghe dư luận nói có vấn đề thì mới kiểm tra.
Vì thế phải có cách kiểm tra khác như theo địa bàn và chuyên đề hoặc lồng ghép vào nội dung kiểm tra khác như kiểm tra cải cách hành chính. Bà Dung cũng kiến nghị Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cần tăng cường kiểm tra các văn bản ở cấp trung ương như thông tư, nghị định. Vì việc chậm phát hiện văn bản có lỗi sẽ ảnh hưởng đến vai trò của người gác cửa văn bản, thực tế khoảng ba năm trở lại đây nhiều văn bản cấp trung ương, tránh tình trạng khi báo chí vào cuộc thì Cục mới biết.
Cục cũng chưa có biện pháp xử lý cơ quan hoặc người đứng đầu cơ quan ban hành những văn bản đã bị “thổi còi” mà đã gây ra hậu quả lớn.