Ủng hộ nghị quyết đặc thù mới cho TP.HCM

(PLO)- Các đại biểu đều ủng hộ và nhìn nhận một nghị quyết mới cho sự phát triển của TP.HCM sẽ giúp nơi đây lấy lại tư cách “Hòn ngọc Viễn Đông”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 30-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đa số ý kiến đều ủng hộ nên có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 để TP.HCM phát triển, lấy lại tư cách “Hòn ngọc Viễn Đông”.

TP xứng đáng có nghị quyết này

Đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) bày tỏ tán thành với hầu hết các đề nghị của Chính phủ. Ông cho rằng TP.HCM cần có cơ chế đặc thù mà thực chất là cá biệt hóa các quy định của pháp luật để tạo ra năng lực pháp lý riêng cho các chủ thể có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. “Tôi thấy xứng đáng có nghị quyết này” - ĐB Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Theo các ĐBQH, việc có một cơ chế đặc thù để sáng tạo, đi trước lúc này là xứng đáng và rất cần thiết đối với TP.HCM. Trong ảnh: ĐB Nguyễn Quốc Hận và ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau). Ảnh: PHẠM THẮNG
Theo các ĐBQH, việc có một cơ chế đặc thù để sáng tạo, đi trước lúc này là xứng đáng và rất cần thiết đối với TP.HCM. Trong ảnh: ĐB Nguyễn Quốc Hận và ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau). Ảnh: PHẠM THẮNG

Riêng về tổ chức bộ máy, ĐB Lê Thanh Vân đề nghị các quy định trong nghị quyết cần bàn thêm. Theo ông, ba nhóm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai… thực chất là trao cho TP quyền tích cực hơn nhưng nếu bộ máy, nhân sự không tương xứng thì ba nhóm chính sách này không thực hiện được.

“Nên trao cho TP.HCM quyền tự tổ chức bộ máy theo nhiệm vụ, chức năng. Các sở, ban ngành chuyên chính, nội chính có thể giữ nguyên, các sở khác nên trao cho TP.HCM tự tổ chức, linh hoạt biên chế để họ tạo ra được bộ máy vận hành phù hợp” - ĐB Vân nói và đề nghị quyền quản lý nhân sự cũng nên được trao cho TP.HCM.

“Họ có thể được phân công cao hơn, chẳng hạn như cấp thường vụ thì nên để TP.HCM tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Trung ương, pháp luật. Bộ máy nhân sự như vậy là linh hoạt. TP.HCM được quyền ban hành các quy định vượt trội, khác luật để họ năng động, tự chủ thu hút nhân tài, nhất là về nhân sự khoa học công nghệ” - ĐB Vân nói.

ĐB Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng trước đây chúng ta ví TP.HCM là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Tuy nhiên, thời gian qua “hòn ngọc” này bớt chói sáng rồi. “Nguyên nhân là từ cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ triệt để, chưa tạo hết điều kiện thuận lợi để TP.HCM phát triển hơn” - ĐB Hận nói và khẳng định TP.HCM là đầu tàu kinh tế, nếu đầu tàu này tốt mới kéo được các toa tàu đi nhanh, đi xa hơn.

ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cũng đồng tình và nêu hai đặc trưng để TP.HCM phải có cơ chế đặc thù. Một là, TP.HCM là một đại đô thị có tốc độ phát triển nhanh, có nguồn lực, điều kiện, đặc tính riêng. Hai là, bản thân TP.HCM từ trước đến nay được coi là mảnh đất năng động sáng tạo, do vậy cần phải có một khuôn khổ pháp lý riêng để vận hành các năng động sáng tạo đó.

“Có thể nói TP.HCM cần một cơ chế đặc thù để sáng tạo, đi trước lúc này” - ĐB Cường nhấn mạnh.

TP.HCM phải có cơ chế đủ mạnh để cạnh tranh với quốc tế

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận TP.HCM có vai trò lớn đối với đất nước nhưng gần đây có dấu hiệu giảm dần và chững lại. Nghị quyết 54 gỡ cho TP một số vấn đề nhưng còn chậm và chưa đi vào cuộc sống.

Để thực hiện vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, Bộ trưởng Dũng cho rằng TP phải có đủ điều kiện theo hướng vượt trội, cạnh tranh được với quốc tế, đủ mạnh và đột phá. Theo Bộ trưởng Dũng, cần tập trung để cơ chế, chính sách tạo nguồn lực lớn hơn cho TP vì nhu cầu của TP về hạ tầng đô thị, y tế, xã hội, giao thông là rất lớn. “TP.HCM đang mặc cái áo chật quá, cần nới ra để TP phát triển” - Bộ trưởng Dũng nói.

ĐB Bùi Hoài Sơn (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đề nghị ba nhóm ngành nghề ưu tiên cho TP.HCM có thêm danh mục công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Lý do theo vị ĐB là trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã chỉ rõ TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội là một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa, sáng tạo của cả nước. “Nếu chúng ta không ưu tiên gì cho TP.HCM làm công nghiệp văn hóa, sáng tạo thì không thu hút được đầu tư liên quan đến các ngành này” - ĐB Sơn nói.

ĐB Hoàng Văn Cường thì cho rằng TP.HCM nên phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD vì chỉ có những đô thị lớn mới đủ điều kiện phát triển mô hình này. Điều này sẽ tạo ra các đô thị hiện đại hơn, văn minh hơn. Cùng với đó, phải cho nhà đầu tư được toàn quyền thiết kế đô thị đó để có tính thống nhất…

ĐB Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế) cũng bày tỏ sự ủng hộ một nghị quyết mới cho TP.HCM, tuy nhiên bà lưu ý cần đánh giá kỹ lưỡng các chính sách ở Nghị quyết 54 chưa thực hiện được mà có ảnh hưởng lớn đến phát triển TP.HCM.

Với các đề xuất chính sách mới, ĐB Sửu cho rằng cần phải làm rõ lộ trình triển khai khi nghị quyết này được thông qua và có hiệu lực. “Quy mô chính sách trong nghị quyết lần này rất đồ sộ, do đó phải có lộ trình nếu không sẽ lãng phí, không thực tiễn hóa được...” - ĐB Sửu nói.

Đủ căn cứ để TP.HCM lập Sở An toàn thực phẩm

Liên quan đến cơ cấu tổ chức và cơ quan mới mà dự thảo nghị quyết dự kiến cho TP.HCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay việc này là có cơ sở chính trị. Cụ thể, Chỉ thị 17 của Ban Bí thư, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã phân cấp, phân quyền cho TP một số lĩnh vực, trong đó có tổ chức bộ máy.

Riêng về cơ sở pháp lý, pháp luật có quy định liên quan đến Luật ATTP và các luật khác. Cơ sở thực tiễn cũng cho thấy Chính phủ đã cho TP thí điểm Ban quản lý ATTP từ năm 2017 và thực hiện hiệu quả ở cả TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh, trong đó TP.HCM thực hiện hiệu quả nhất.

Từ những cơ sở nêu trên, TP.HCM tiếp tục đề xuất nâng cấp thí điểm Ban quản lý ATTP thành Sở ATTP.

“Đủ căn cứ, tiêu chuẩn để nâng cấp Ban quản lý ATTP thành sở nhưng cũng là thí điểm trong năm năm. Chúng tôi rất muốn có mô hình thí điểm này đánh giá xem hiệu quả thế nào” - Bộ trưởng Trà nói và cho biết tới đây Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh về căn cứ yêu cầu, điều kiện cụ thể để địa phương thành lập tổ chức hành chính là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cho phù hợp. Theo bà, đây cũng là cách để thí điểm. Nếu hợp lý thì ở các đô thị lớn, TP lớn sẽ nghiên cứu thành lập Sở ATTP.

ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng hiện Chính phủ quy định tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các địa phương. Trên cơ sở đó, HĐND quyết định thành lập tổ chức, bộ máy các cơ quan này.

Tuy vậy, ĐB Thủy cũng đề nghị cần cân nhắc quy định cứng chức năng, nhiệm vụ của sở này trong nghị quyết của QH. “Điều này nên phân quyền cho TP được quyết định thành lập cơ quan chuyên môn thuộc cấp TP và TP Thủ Đức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, không nên giới hạn cụ thể Sở ATTP. Điều này sẽ tạo ra sự chủ động, linh hoạt hơn trong quyết định bộ máy của mình” - ĐB Thủy nêu ý kiến.

Thanh toán dự án BT bằng tiền rất cần thiết

Trước đây chúng ta phải bỏ BT (thanh toán - PV) bằng đất do không ngang giá, dẫn đến vật đổi vật, từ đó mới dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Còn BT bằng tiền thì hoàn toàn phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay. Bởi điều này sẽ tiến dần đến cơ chế Chính phủ đặt hàng cho các nhà đầu tư vào các công trình công, dự án công, các sản phẩm công…, từ đó tạo ra các ngành nghề, tập đoàn trụ cột cho nền kinh tế.

Tại Hàn Quốc, Hyundai trở thành tập đoàn mạnh như thế là do chính phủ nước này đã thực hiện cơ chế BT bằng tiền trong thời kỳ khủng hoảng. Đây có là cơ chế tốt để triển khai hoạt động đầu tư công nhanh hơn, chứ không khó khăn như các dự án hiện nay.

ĐB HOÀNG VĂN CƯỜNG, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm