Chiều 20-3, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, đã thông tin về kết quả Giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần thứ 4 năm 2025.
Theo bà Hương đây là giải thưởng được xét chọn 2 năm/lần nhưng từ năm 2025 trở đi sẽ xét chọn 3 năm/lần.

Năm nay Giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần thứ 4 có bảy lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có một giải Nhất và các giải Nhì, giải Ba.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết dự kiến có 52 sản phẩm đoạt giải. Cụ thể, 9 sản phẩm ở lĩnh vực 1 (phát triển kinh tế); 6 giải thưởng ở lĩnh vực 2 (an ninh quốc phòng); 7 giải thưởng ở lĩnh vực 3 (quản lý nhà nước); 6 giải thưởng ở lĩnh vực 4 (truyền thông); 9 giải thưởng lĩnh vực 5 (văn học nghệ thuật); 9 giải thưởng lĩnh vực 6 (khoa học kỹ thuật); 6 giải thưởng lĩnh vực 7 (khởi nghiệp sáng tạo).
Một số sản phẩm có thể kể đến như Lễ hội Sông nước TP.HCM của Sở Du Lịch; Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng chống tội phạm liên quan tín dụng đen và xử lý quảng cáo trái phép giữ gìn mỹ quan đô thị trên địa bàn TP của Công an TP; Ứng dụng công dân số của Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM.
Phần mềm tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố quận 1 của UBND quận 1; Mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng của Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại dịch vụ du lịch Thiềng Liềng; Chương trình thí điểm thực hành lâm sàng dành cho bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề đa khoa tại Bệnh viện đa khoa gắn với Trạm Y tế của Sở Y tế…

Đáng chú ý, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của Báo Pháp Luật TP.HCM, chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” của Báo Người Lao Động, chương trình Ngày của Phở 12/12 của Báo Tuổi trẻ và giải pháp tuyên truyền lan tỏa cảm hứng thi đua sáng tạo vì sự phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại của Báo Sài Gòn Giải Phóng, đều là những sản phẩm dự kiến đoạt giải ở lĩnh vực 4.
Theo bà Phan Kiều Thanh Hương, hội đồng xét chọn chưa công bố các giải thưởng cụ thể vì cần tiếp tục đánh giá.
Thời gian tới, hội đồng xét chọn sẽ tiếp tục đánh giá các sản phẩm dự thi đảm bảo các yếu tố về tính sáng tạo, ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cụ thể, tác động trong xã hội. Đồng thời, tiếp tục xem xét các sản phẩm có quy phạm bản quyền hay không để hội đồng xét chọn có quyết định cuối cùng.
Dự kiến, lễ công bố và trao tặng Giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần 4-2025 sẽ được tổ chức vào dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Nhà hát Thành phố.
Trước đó, tính đến ngày 21-2, hội đồng xét chọn đã tiếp nhận tổng cộng 292 sản phẩm dự thi, sau đó đã chọn ra 60 sản phẩm trình Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp TP xem xét. Cuối cùng chọn ra 52 sản phẩm để trao giải.
Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển" do Báo Pháp Luật TP.HCM phát động được tổ chức từ tháng 4-2023.
Tính đến hết năm 2024, chương trình đã đến với bà con ngư dân, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 19 trên tổng số 28 tỉnh, TP có biển ở Việt Nam.
Năm 2025, Chương trình Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển sẽ tiếp tục đến với bà con ngư dân ở 9 tỉnh, thành còn lại.
Món quà ý nghĩa nhất của chương trình chính là cuốn cẩm nang Những điều cần biết về đánh bắt hải sản với phương châm “Vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an” do báo Pháp Luật TP.HCM soạn thảo cùng sự tư vấn của các chuyên gia về Luật Biển.
Chương trình mong rằng đây là “người bạn” đồng hành cùng bà con ngư dân trong việc nắm bắt các quy định từ đơn giản đến phức tạp khi đánh bắt hải sản, góp phần kéo giảm tình trạng đánh bắt cá trái phép, chung tay cùng Chính phủ, các bộ, ban ngành gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu.
Trong khuôn khổ, chương trình còn tổ chức các hoạt động bên lề ý nghĩa, nhân văn như tặng học bổng cho cho học sinh ở mỗi tỉnh, TP, tặng quà ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), tặng quà Tết Nguyên đán, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng trăm bà con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các tuyến truyền thông xúc tiến du lịch, quảng bá đặc sản và thương hiệu địa phương có biển…
Chương trình đã mang đến mỗi địa phương 100-200 phần quà, trung bình có giá trị trên 5 triệu đồng, gồm một bình ắc quy, bộ đèn LED, túi thuốc gia đình, bộ dây ngư cụ, phiếu mua hàng…
Ngoài ra, còn tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, “Đáp lời ngư dân”, báo cáo chuyên đề về pháp luật liên quan đến hoạt động đánh bắt hải sản. Đây là các diễn đàn để Chính phủ, các bộ, ban ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền về các cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ bà con ngư dân bám biển đúng luật, an toàn. Đồng thời, cũng là nơi để ngư dân chia sẻ kinh nghiệm, trình bày sáng kiến, thổ lộ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng đến các cấp có thẩm quyền để hoạt động vươn khơi ngày càng trở nên tốt hơn, chung tay gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu.