Theo TS-BS Hùng, ung thư phổi là loại ung thư nhiều nhất ở nam giới và đứng hàng thứ tư ở nữ giới; nó là loại ung thư gây tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở cả hai giới nam và nữ.
Nếu như năm 2000 Việt Nam chỉ ghi nhận hơn 6.900 ca ung thư phổi ở nam giới thì năm 2010 đã hơn 14.600 ca, dự báo đến năm 2020 sẽ gần 23.000 ca.
Tuy nhiên, ung thư phổi không phải là “bản án tử hình” vì chúng ta có thể hoàn toàn chữa khỏi bệnh ung thư phổi nếu phát hiện sớm tế bào ung thư trước khi bệnh biểu hiện ra bên ngoài bằng những triệu chứng rõ ràng, điều trị tích cực và đúng mức.
Do vậy, với những người có yếu tố nguy cơ cao cần phải tầm soát ung thư phổi: Người hút thuốc lá (kể cả hút thuốc thụ động), tiếp xúc với amian, mickel, hydrocarbon thơm, khí radon… ; hiện đang mắc một ung thư; mắc bệnh phổi đã có từ trước: Lao, COPD; gia đình có người bị ung thư phổi. Đặc biệt những người ở lứa tuổi từ 55-74 tuổi cần nên đi tầm soát.
Theo BS TS-Hùng, tầm soát ung thư phổi thông thường có ba xét nghiệm quan trọng là: X-Quang ngực (kết quả hạn chế); xét nghiệm đàm - dịch phế quản để tìm tế bào ung thư rơi vãi trong chất dịch đó; CT ngực liều thấp được thực hiện nhiều nhất, hiệu quả khá cao giúp phát hiện những sang thương còn rất nhỏ.
“Phổi là một trong những cơ quan trọng yếu quyết định sự tồn tại, sống còn của cơ thể. Ung thư phổi là một bệnh lý nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao nếu phát hiện trễ. Phát hiện sớm sẽ giúp giảm chi phí điều trị, giảm tỉ lệ tử vong và có thể chữa lành bệnh”, TS-BS Hùng khuyến cáo. DUY TÍNH