USS Carl Vinson - nước cờ chiến lược của Mỹ

Chuyến hải trình cùng những hoạt động lần này của siêu tàu sân bay USS Carl Vinson tại khu vực đang thể hiện vai trò ngày càng lớn của siêu tàu sân bay lớp Nimitz trong những hoạch định quốc phòng của Mỹ, đặc biệt tại châu Á-Thái Bình Dương.

Duy trì hiện diện khu vực

Năm 2017, hải quân Mỹ đã ghi nhận hàng loạt vụ tai nạn của các tàu chiến trực thuộc Hạm đội 7 chuyên trách vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Những điều này cho thấy việc quản lý, duy trì và cải thiện năng lực hải quân của Mỹ ở khu vực đang đối diện với gánh nặng ngày một lớn. Tăng cường sự tham gia của Hạm đội 3, “người anh em” phía Đông cùng biên chế Hạm đội Thái Bình Dương, là một trong những giải pháp mà giới lãnh đạo quốc phòng Mỹ tính đến từ năm 2016.

Tàu USS Carl Vinson là một ví dụ cụ thể cho chiến lược này của Mỹ. Đây đã là lần thứ hai trong vòng hai năm qua siêu tàu sân bay nhận một nhiệm vụ chính thức đến khu vực biển Đông. Tháng 2-2017, tàu sân bay này cùng các tàu hộ vệ đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển Đông và thậm chí tổ chức diễn tập huấn luyện chiến thuật. Vào thời điểm đó, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã khẳng định hoạt động của USS Carl Vinson tại khu vực mang tính chất thường niên.

Trong năm 2017, biển Đông khá “lặng sóng” khi gần như không có sự cố đối đầu nào giữa các lực lượng hải quân và chấp pháp trên biển. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại vùng biển này sẽ “tăng nhiệt” trở lại do bản chất phức tạp của xung đột vẫn giữ nguyên, trong khi đó Trung Quốc (TQ) đã tổ chức xong đại hội đảng toàn quốc với các gương mặt lãnh đạo mới. Vấn đề căng thẳng Mỹ-Triều Tiên cũng đã hạ nhiệt và đang dần đi đến đối thoại. Biên tập viên cấp cao Prashanth Parameswaran của tờ The Diplomat nhận định TQ trong năm nay có thể lại có những động thái mạnh mẽ và mang tính khiêu khích trên các vùng biển. Chính phủ Tổng thống Donald Trump đã ra Chiến lược an ninh quốc gia vào nửa cuối năm 2017, lên án các động thái của TQ chiếm đóng và bồi đắp phi pháp những thực thể trên biển Đông. Chuyến hải trình đầu năm của USS Carl Vinson có thể xem là một thông điệp gửi đến Bắc Kinh thể hiện sự quyết tâm của Washington trong khu vực.

Tờ The Diplomat nhận định chuyến hải trình đến biển Đông của tàu sân bay USS Carl Vinson mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đặt trong bối cảnh chiến lược quốc phòng của Mỹ ở khu vực. Các tàu sân bay là công cụ đắc lực để Mỹ củng cố sự hiện diện mang tính dài hạn của mình tại vùng biển, đặc biệt trong bối cảnh TQ đã và đang có những động thái ngày một quyết liệt trên biển Đông. Trong chuyến hải trình lần này, các tàu hải quân của Mỹ đã ghé thăm ba quốc gia đều trực tiếp liên quan đến vấn đề biển Đông. Trước khi đến Việt Nam, siêu tàu sân bay USS Carl Vinson đã ghé thăm Philippines trong vòng bốn ngày từ 16 đến 20-2. Gần hai tuần trước, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Mayer, cũng thuộc nhóm tàu sân bay tác chiến số 1 (CGS-1) với hạt nhân là tàu sân bay USS Carl Vinson, đã ghé thăm Kota Kinabalu của Malaysia.

Mặt khác, ông Prashanth cũng bày tỏ lo ngại các động thái này sẽ tạo thêm cớ cho Bắc Kinh có thêm biện pháp “trả đũa” và đẩy mạnh hoạt động trên biển Đông.

Tàu sân bay USS Carl Vinson hiện diện thường niên trên biển Đông cho thấy Mỹ đang tăng cường vai trò của Hạm đội 3 tại khu vực. Ảnh: GETTY

Chuẩn Đô đốc John V. Fuller tiếp nhận vị trí chỉ huy nhóm tàu sân bay tác chiến 1 (CSG-1) vào tháng 7-2017. Ảnh: USS CARL VINSON

Cột mốc quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ

Bên cạnh những hàm ý về chiến lược quốc phòng của Mỹ ở khu vực, sự kiện tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng còn mang một ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương Việt-Mỹ. Đài truyền hình CNN hôm 4-3 đã đánh giá chuyến thăm lần này của tàu sân bay lớp Nimitz là bước đi mang tính biểu tượng mới cao, đánh dấu một cột mốc mới tiến trình tăng cường quan hệ hợp tác an ninh-quốc phòng giữa hai nước.

Sự xuất hiện của USS Carl Vinson ở Đà Nẵng từ ngày 5-3 được báo chí quốc tế nhận định là sự kiện hợp tác quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ tại Việt Nam kể từ sau năm 1975. Đây là lần đầu tiên một tàu sân bay hạt nhân của Mỹ đến thăm Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết chuyến thăm hữu nghị của tàu USS Carl Vinson và các tàu hộ tống sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương Việt-Mỹ, theo đúng khuôn khổ đối tác toàn diện đã ký kết. Bà cho biết chuyến thăm này cũng góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển khu vực. Chỉ huy của CGS-1 Chuẩn Đô đốc John V. Fuller cũng có chung quan điểm trên. Ông đánh giá chuyến thăm là một bước đi to lớn và mang tính lịch sử trong quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước. Ông nhấn mạnh chuyến thăm này thể hiện mong muốn của Mỹ tiếp tục thúc đẩy an ninh, ổn định và thịnh vượng của toàn khu vực.

Trong khi đó, theo nhận định của ông Prashanth, chuyến thăm của USS Carl Vinson sẽ không phải là sự kiện chỉ diễn ra một lần. Ngày 5-3 đánh dấu lần đầu tiên tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam trong vòng 40 năm qua nhưng trong một năm qua đã có những tiếp xúc trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa hai nước có liên quan đến yếu tố tàu sân bay. Chuyến thăm của USS Carl Vinson đã được đề cập công khai trong nội dung làm việc giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp phía Mỹ James Mattis vào tháng 8-2017 tại Washington. Đến tháng 10-2017, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng có chuyến tham quan tàu sân bay này tại vùng biển phía Nam California. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ ông Phạm Quang Vinh trong hai ngày 21 và 22-2 cũng có chuyến thăm chính thức Norfolk, bang Virginia, thăm căn cứ hải quân Norfolk và tàu sân bay USS George H.W. Bush. Ông Prashanth nhận định đây là sự khởi đầu cho quá trình hiện diện sâu rộng hơn của tàu sân bay trong quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.

Cơ hội để hai nước học hỏi lẫn nhau

Người phát ngôn hải quân Mỹ Tim Hawkins nhấn mạnh chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của tàu sân bay USS Carl Vinson đến Việt Nam chỉ gói gọn trong các mục tiêu mang tính “thường kỳ” của hải quân Mỹ. Ông cho rằng đây là cơ hội tốt để cả hai nước học hỏi lẫn nhau, theo Channel News Asia.

Trước đó, trả lời báo chí vào ngày 24-2, ông Hawkins nhấn mạnh chuyến thăm là động thái tiếp cận mang tính nghiệp vụ, giúp xây dựng sự kết nối giữa con người hai nước. “Đây không phải là một điểm nhấn về mặt quân sự. Đây là một hoạt động trao đổi văn hóa” - ông Hawkins cho biết.

Nhật tăng hậu cần hải quân ở Hoa Đông

Trong một diễn biến khác, lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (JMSDF) đang lên kế hoạch mua thêm tàu chở dầu đầu tiên giúp vận chuyển nhiên liệu tại quần đảo Okinawa. Đối mặt với tình hình hải quân TQ ngày một tăng cường hiện diện tại vùng biển Hoa Đông, JMSDF cũng muốn gia tăng hoạt động chấp pháp tại khu vực, hãng tin Reuters tiết lộ. Theo hai nguồn tin của Reuters, JMSDF hiện đang cần bổ sung vào lực lượng hậu cần một tàu chở dầu có khả năng mang theo khoảng 300.000 thùng nhiên liệu đến cảng White Beach ở đảo lớn Okinawa. Đây là nơi JMSDF dự trữ nhiên liệu cho tàu chiến tuần tra tại biển Hoa Đông.

Tình trạng đối đầu giữa các lực lượng tàu chấp pháp và tàu quân sự giữa Nhật Bản và TQ đã tăng nhanh trong thời gian qua, xoay quanh tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mới đây nhất, một tàu ngầm hạt nhân của hải quân TQ đã đi vào vùng biển đang do Nhật Bản giám sát ở Senkaku. Theo Reuters, các hoạt động của JMSDF ở cảng White Beach đã tăng gấp 3-4 lần trong thời gian qua nhưng cảng chưa được mở rộng năng lực tiếp nhận. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã từ chối bình luận thêm về thông tin này, Reuters cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm