Uỷ ban Quốc phòng- An ninh: 'Việc thay đổi tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp…'

(PLO)- Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh đánh giá việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp xu hướng quản lý xã hội số.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước. Một trong những nội dung được Uỷ ban Quốc phòng - An ninh, cơ quan thẩm tra dự án Luật, xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là về tên gọi của dự thảo Luật và tên thẻ căn cước.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho hay có ý kiến cho rằng thời gian vừa qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi của thẻ căn cước. Vì vậy, ý kiến này đề nghị cân nhắc không đổi tên Luật và tên thẻ thành thẻ căn cước.

Uỷ ban Quốc phòng- An ninh: 'Việc thay đổi tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp…'
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới.

Về nội dung này, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh đánh giá việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

Với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số tính khoa học, đại chúng sẽ giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng.

Đồng thời, hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số.

Mặt khác, Luật Căn cước công dân hiện chỉ quy định về cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên. Trong khi dự thảo Luật, Chính phủ trình bổ sung đối tượng áp dụng là công dân dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi là người gốc Việt Nam); đối với người gốc Việt Nam thì không cấp thẻ căn cước mà chỉ cấp giấy chứng nhận căn cước.

“Việc đổi tên Luật và tên thẻ như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật” - ông Lê Tấn Tới nói.

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với tên gọi. Tuy nhiên, sau thảo luận, một số đại biểu gửi văn bản đề cập đến việc thay đổi nhiều.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải có giải trình thêm vấn đề này, theo đó, cần làm rõ thêm việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ Căn cước và đổi tên thành thẻ Căn cước sẽ tạo điều kiện cho các công tác quản lý nhà nước và thuận tiện cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch hành chính, dân sự.

Bo-truong-Cong-an-To-Lam.jpeg
Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo cơ bản nhất trí với những định hướng để hoàn chỉnh dự luật.

Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Quốc phòng - An ninh để tiếp tục tiếp thu, giải trình, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật.

Chu-tich-QH-Vuong-Dinh-Hue.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ dự án Luật Căn cước sau khi được thảo luận tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu hợp lý các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đạt đồng thuận cao.

Dự thảo đảm bảo chất lượng về những yêu cầu đặt ra từ đầu khi xây dựng chính sách, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm