“Người dân chúng tôi luôn tuân thủ những quy định mà Nhà nước ban hành. Thế nhưng UBND quận 9 (TP.HCM) thì lại cù cưa, không chịu thi hành bản án của hai cấp tòa đã tuyên buộc, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của chính tôi”. Đây là nội dung phản ánh của hai anh em ông Nguyễn Tấn Linh và Nguyễn Văn Lợi ở quận Thủ Đức, TP.HCM gửi đến Pháp Luật TP.HCM.
Theo ông Linh và ông Lợi, năm 2002 hai ông nhận sang nhượng hai thửa đất nông nghiệp liền kề nhau của ông Dương Lê Duy ở phường Long Bình, quận 9 với tổng diện tích gần 4.000 m2. Nguồn gốc đất do các chủ đất trước đó tạo lập. Năm 2006, UBND quận 9 thông báo cho hai ông biết toàn bộ khu đất trên nằm trong dự án chỉnh trang phát triển đô thị. Đến năm 2013, UBND quận 9 ra hai quyết định thu hồi và hỗ trợ chứ không bồi thường vì cho rằng đất do hai ông tự lấn chiếm.
Hai anh em ông Nguyễn Tấn Linh và Nguyễn Văn Lợi đang mong UBND quận 9, TP.HCM thi hành bản án của tòa. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Không đồng ý, hai ông lần lượt kiện hành chính yêu cầu tòa tuyên hủy hai quyết định nói trên. Năm 2014, TAND quận 9 xử sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu của hai ông vì cho rằng hai thửa đất trên do hai ông lấn chiếm và tại thời điểm trước khi bị thu hồi, đất do UBND phường Long Bình quản lý.
Ông Linh và ông Lợi kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm ngày 28-5-2015, TAND TP.HCM nhận định thủ tục ra quyết định thu hồi và quyết định về hỗ trợ cho hai ông Linh và ông Lợi là đúng. Tuy nhiên, xét về nguồn gốc sử dụng hai thửa đất trên dù UBND phường Long Bình đứng tên chủ sử dụng nhưng người dân đã sử dụng ổn định liên tục từ trước năm 1975 cho đến khi bị thu hồi. Hơn nữa, trong suốt quá trình người dân sử dụng, UBND phường không thực hiện quyền quản lý đất đai khi không có bất kỳ hành vi xử phạt việc lấn chiếm đất công. Dựa theo quy định của pháp luật thì người dân đã đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Từ đó, bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM tuyên giữ nguyên quyết định thu hồi đất, đồng thời hủy quyết định hỗ trợ của UBND quận 9. Tòa buộc UBND quận 9 phải tính lại giá trị bồi thường, hỗ trợ đối với phần đất nông nghiệp của hai ông Linh và Lợi.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 9, trả lời: “Bản án phúc phẩm của TAND TP.HCM với người khởi kiện là ông Nguyễn Tấn Linh, ông Nguyễn Văn Lợi và người bị kiện là UBND quận 9 đúng là đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng UBND quận 9 đang gửi đơn yêu cầu giám đốc thẩm và đang chờ kết quả. Khi nào có kết quả chính thức thì quận sẽ thực hiện thi hành bản án của tòa”.
PV chất vấn: “Theo quy định của pháp luật, án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thi hành, trừ khi có quyết định yêu cầu tạm hoãn hoặc hoãn thi hành án (THA) của cơ quan có thẩm quyền. Vậy quận có nhận quyết định yêu cầu tạm hoãn hay hoãn thi hành của cơ quan có thẩm quyền nào hay không?”. Ông Thành trả lời: “Quận vẫn chưa nhận được. Quận sẽ chỉ đạo các phòng, ban thực hiện THA hai bản án trên sớm cho người dân”.
Ủy ban cần phải thượng tôn pháp luật Điểm b khoản 1 Điều 2 Luật THA quy định bản án, quyết định của tòa án cấp phúc thẩm thì phải được thi hành. Như vậy pháp luật đã quy định rõ một khi bản án có hiệu lực thì phải đưa ra thi hành (trừ khi được hoãn, tạm hoãn theo quy định). Lý do của ủy ban đưa ra là đang chờ xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tức vẫn chưa có quyết định nào được quy định việc hoãn, tạm hoãn của cơ quan có thẩm quyền. Vì thế lý do mà ủy ban đưa ra là không đúng. Người dân không THA thì bị cưỡng chế, thậm chí có thể bị tù tội nếu có hành vi chống đối, còn cơ quan nhà nước chậm trễ. Vậy là không công bằng. Đó là chưa nói với cách hành xử đó làm sao cơ quan nhà nước có thể làm gương cho người dân về việc sống và làm việc theo pháp luật. Ủy ban phải hiểu rằng trước pháp luật dù là cá nhân hay tổ chức, pháp nhân đều bình đẳng như nhau. Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, |