Đáng nói là những hành vi, ứng xử, phát ngôn vô văn hóa không phải chỉ ở những bộ phận ít học, lao động tay chân đầu tắt mặt tối, trẻ em đường phố, bụi đời du thủ du thực. Nó tràn lan cả trong giới sinh viên, học sinh, những trí thức trẻ, các ca sĩ, người mẫu, người dẫn chương trình mà nhiều báo đài đã phản ánh. Từ năm ngoái TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng “hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” dự kiến ban hành trong năm nay.
Tôi chưa đọc được văn bản chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội, cũng như dự thảo hệ thống quy tắc ứng xử do sở VH-TT&DL TP Hà Nội tổ chức biên soạn nhưng theo tôi, vấn đề văn hóa không thể đơn giản là những con chữ hay những con số thống kê cân đong đo đếm được. Và vì thế, những sự “kiểm tra, xem xét và có biện pháp xử lý” là rất khó thực hiện, khó đi vào đời sống. Nếu được thực hiện suôn sẻ, may ra chỉ hiệu quả một phần tại các cơ quan công quyền, trường học thôi. Còn ở những nơi công cộng thì bất khả thi. Nội chuyện phóng uế, vứt rác bừa bãi sờ sờ ra đó còn chưa giải quyết được nữa là. Ngay cả quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng mấy năm rồi đã xử được ai chưa? Có người tự nhận mình là người Hà Nội chân chính, có văn hóa, cho rằng mới chỉ từ cuối những năm 1980 bắt đầu thời kỳ đổi mới, người nhập cư từ các nơi tràn về Hà Nội tác động đến nếp sống, nếp nghĩ và cách ứng xử của người Hà Nội hôm nay theo chiều hướng tiêu cực.
Tôi không nghĩ vậy. Vì không cần truy nguyên, mà phải nhìn nhận một sự thực là hiện nay với lối sống quá thực dụng chỉ biết chạy theo tiền tài vật chất của nhiều bậc cha mẹ; và ngay cả trong trường học, việc giáo dục cũng chỉ chạy theo thành tích, điểm số mà ít quan tâm tới giáo dục nhân cách. Việc học làm người bị đẩy xuống sau học làm ra tiền. Và khi mà lòng tự trọng, nhân cách bị quên lãng thì chuyện chửi thề, văng tục trở thành chuyện bình thường của nhiều người trẻ, vì chung quanh đâu đó cũng vang lên những câu từ tục tĩu. Những ai từ xa lần đầu đến thủ đô ngàn năm văn hiến sẽ dễ bị giật mình và tổn thương khi tiếp xúc với những người “miệng phun ra nhiều tiếng chửi thề - những lời tục tĩu nở như rươi!”.
Nhưng nếu nói những phát ngôn thiếu văn hóa chỉ là của những người nhập cư - tức “người Hà Lội” như cách nói dè bỉu của một số người tự nhận là Hà Nội gốc thì tôi phản đối. Thiết nghĩ không chỉ Hà Nội mà hầu hết các TP lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt… cũng có đông người nhập cư - đất lành chim đậu mà - nhưng hầu hết họ hòa nhập vào nếp sống vốn có của cư dân bản địa một cách dễ dàng, tốt đẹp. Họ được “Đà Nẵng hóa”, “Sài Gòn hóa”, “Đà Lạt hóa” theo những cách thức khác nhau nhưng rất đáng trân trọng. Văn hóa vốn được tích tụ lắng đọng theo dòng chảy thời gian cùng cái vốn văn hóa căn bản, như những hạt phù sa tích tụ từ những dòng sông bồi lắng với bùn đất có sẵn. Những dòng chảy êm đềm, nhẹ nhàng thì phù sa tích tụ nhiều; còn những dòng sông chảy xiết thì phù sa phần nhiều bị trôi ra biển cả.