Tập đầu phát tối thứ Hai ngày 10-11 vừa qua với lời giới thiệu có cánh: “Một bộ phim 18+ sâu sắc về đề tài tình yêu, tình dục. Bộ phim giáo dục giới tính hay nhất mọi thời đại”. Thật ra đây là bộ phim mang tính giải trí, đề cao chuyện hưởng thụ tình dục - nhất là đối với phụ nữ, nên nếu gán cho phim chức năng “giáo dục giới tính” có phần cường điệu, mặc dù đó không phải là “chuyện nhỏ” như tựa phim, mà đó là chuyện của muôn đời cho đến khi nào hết con người còn trên Trái đất này. Tuy vậy đây cũng là bước đột phá của ngành truyền hình Việt Nam, vượt qua được rào cản vô hình về những chuyện “không nói ra nhưng ai cũng biết”. Nhà đài cũng đã cắt bỏ bớt những cảnh nóng của phim, người dịch và biên tập tìm cách dịch lách lời thoại theo hướng làm nhẹ bớt ngôn ngữ tình dục của nguyên tác để cho khán giả Việt quen dần… Tôi chợt nhớ gần 30 năm trước, nhà tình dục học Trần Bồng Sơn, tức cố BS Nguyễn Tấn Trung với loạt bài trả lời độc giả về đề tài tình dục trên mục “Thắc mắc biết hỏi ai” của báo Tuổi Trẻ đã trả lời những chuyện tế nhị bằng những từ ngữ bóng gió, ẩn dụ rất dí dỏm mà ai đọc cũng hiểu. Sau đó loạt bài này đã được NXB Trẻ gom lại in thành nhiều tập bán rất chạy, tái bản nhiều lần. Rất tiếc nhà tình dục học nổi tiếng này đã bị đột tử hơn 10 năm trước. Cũng có một số sách viết hoặc dịch về đề tài tình dục khá nghiêm túc nhưng không hấp dẫn bằng loạt sách Thắc mắc biết hỏi ai của BS Trần Bồng Sơn.
Tình dục có lẽ là chuyện xưa nhất từ lúc loài người xuất hiện. Tình dục khởi thủy là để duy trì nòi giống, rồi dần dà phát triển theo những nền nếp văn hóa của từng dân tộc. Có nhiều cách thể hiện ngôn ngữ và hành động yêu đương có thể rất khác nhau, thậm chí có vẻ như đối lập. Như cách giao tiếp e dè, kín đáo của phụ nữ các dân tộc Á Đông trước đây chịu ảnh hưởng văn hóa Khổng Mạnh, khác hẳn những phụ nữ theo văn minh phương Tây cởi mở, thoải mái trong giao tiếp cũng như quan hệ theo cách tự do luyến ái. Nhưng cách gì tựu trung lại vẫn là để biểu lộ tình yêu trai gái. Chuyện về tình dục luôn luôn là đề tài rôm rả nhất với cánh mày râu, đặc biệt trong những lúc trà dư tửu hậu, là đề tài nói hoài không chán. Từ trí thức tới bình dân, ngôn ngữ thể hiện có thể khác nhưng hầu như cũng cùng chung mục đích là thư giãn, giải tỏa căng thẳng đầu óc. Đối với người Việt Nam từ hàng ngàn năm đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Khổng Mạnh thì chuyện quan hệ trai gái cũng lắm điều cấm kỵ nhưng có vẻ như càng ức chế con người ta lại càng muốn vượt thoát những khuôn sáo câu nệ cứng nhắc, thể hiện qua những câu ca dao tục ngữ có khi khá tục nhưng có lúc đố tục nhưng giảng thanh. Đặc biệt nhất là hiện tượng cực kỳ thú vị trong lịch sử văn chương Việt Nam với nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Bà sống trong chế độ phong kiến cách nay hơn hai thế kỷ nhưng đã có những áng thơ tuyệt tác mô tả chuyện trai gái yêu đương hoặc tả vật, tả cảnh giống bộ phận kín của phụ nữ một cách tài tình, thanh thoát. Nữ sĩ tả cảnh đôi trai gái trong bài Đánh đu mang đậm hình tượng tình dục: “Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”; hoặc cảnh vợ chồng trong bài Đánh cờ người hình tượng còn rõ ràng hơn: “Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc/ Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người…/ Chàng lừa thiếp đang cơn bất ý/ Đem chốt đầu dú dí vô cung…”. Bài Cái quạt với từ ngữ siêu phồn thực: “Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa…/ Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”; hoặc bài Quả mít: “Quân tử có thương thì đóng cọc/ Xin đừng mấn mó nhựa ra tay”. Trong bài Đèo Ba Dội, nữ sĩ mô tả còn dữ dội hơn: “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/ Hòn đá xanh rì lún phún rêu…”.
Bà kết luận một chân lý muôn đời: “Hiền nhân quân tử ai mà chẳng/ Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo”.
PHẠM CHU SA