Văn hóa ứng xử trong bệnh viện

Nhưng đến nay thì tình trạng này đã đến mức kinh khủng: Ở các bệnh viện công lập các cấp từ quận, huyện đến tỉnh, thành nhất là bệnh viện thuộc trung ương, cảnh chen lấn chờ khám bệnh, điều trị hoặc ba bốn bệnh nhân nằm chung một giường, nằm cả ở gầm giường, trên lối đi không còn là chuyện lạ. Đến nỗi, vừa qua khi đến thăm BV Ung bướu TP.HCM, bà bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu lên: “Bệnh viện mà như trại tị nạn!”. Dĩ nhiên đó là các bệnh viện công chứ ở các bệnh viện tư thì người bệnh được phục vụ tận răng, dĩ nhiên là phải tốn nhiều tiền mà chỉ một số người có điều kiện tài chính mới dám vào. Gọi là bệnh viện công, tức do Nhà nước lập ra và cán bộ nhà nước trực tiếp quản lý nhưng bệnh nhân đến khám, điều trị cũng đều phải đóng phí tất tần tật mọi khoản, lại kèm bao thư bồi dưỡng nếu muốn được chữa trị tốt và nhanh. Rồi viện phí tăng, giá thuốc liên tục tăng; phân biệt đối xử trong khám, chữa bệnh đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế; bác sĩ nhận tiền lót tay để kê toa thuốc ăn hoa hồng các công ty dược. Tất cả đều đổ lên đầu người bệnh. Đây là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, mà mấy tháng trước, trả lời chất vấn của quốc hội, bà bộ trưởng Bộ Y tế đã hứa sẽ có hình thức kỷ luật cán bộ y tế nếu phát hiện có chuyện vòi vĩnh, nhận bao thư bồi dưỡng… Thật ra chuyện kỷ luật là cách nói để xoa dịu dư luận chứ bà bộ trưởng có ba đầu sáu tay cũng không làm sao “bắt tận tay day tận mặt” chuyện đưa phong bì để kỷ luật. Cái chính là yếu tố con người. Mà nói đến phạm trù đạo đức, nhất là đối với những người nắm trong tay sinh mệnh người khác thì không thể có hình thức kỷ luật nào bằng lương tâm người thầy thuốc, tức y đức. Y đức là tự nguyện, không thể nói chuyện kỷ luật này nọ, trừ những trường hợp vi phạm trầm trọng, như chuyện bà giám đốc một bệnh viện trung ương đã thu tóm, kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của bệnh viện, mua trang thiết bị cho bệnh viện nhưng sử dụng cho việc khám, chữa bệnh nhân riêng của bà, kể cả chuyện phẫu thuật trong bệnh viện rồi đưa về phòng khám riêng điều trị và thu tiền. Rõ ràng đây không còn là chuyện y đức mà là vi phạm pháp luật, không những cần kỷ luật mà còn phải truy tố.

Nhưng cũng không nên vơ đũa cả nắm, nói đi cũng nên nói lại. Thời gian qua đã liên tục xảy ra chuyện người nhà bệnh nhân vì bức xúc mà đã gây gổ, mạt sát, thậm chí hành hung các nhân viên y tế, đặc biệt đối với các bác sĩ điều trị ở tuyến dưới thiếu thốn phương tiện thuốc men… Vì vậy bệnh nhân dù vất vả, tốn kém cũng tranh thủ lên tuyến trên khám, chữa. Và điều tất yếu là tuyến trên lại quá tải, có bác sĩ mỗi ngày khám cả trăm bệnh nhân thì không thể nào không sơ suất. Vấn đề chính là văn hóa ứng xử giữa thầy thuốc và người bệnh. Bác sĩ phải nhớ lời thề Hypocrate, thông cảm sự đau đớn của người bệnh để thương yêu họ. Ngược lại, bệnh nhân cũng phải thông cảm nỗi vất vả, sự căng thẳng của người thầy thuốc khi hằng ngày phải gặp gỡ, trao đổi, hỏi han với hàng trăm con người đang mang bệnh với vẻ mặt căng thẳng, mệt mỏi. Điều tưởng như đơn giản nhưng thật sự khó thực hiện nếu mỗi bên không cố gắng một chút, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, niềm tin và tình người khủng hoảng đến vô cảm. Người viết chợt nhớ lại từ nhà thương trước kia, tức bệnh viện bây giờ, là cách gọi rất dân dã, mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa, thấm đẫm tình người, nơi đó người bệnh được thầy thuốc khám, chữa bệnh và chăm sóc, thương yêu như người thân. Còn có cả nhà thương thí, là nơi khám, chữa bệnh miễn phí hoàn toàn dành cho người nghèo, cũng thật đáng quý. Những từ “nhà thương”, “thầy thuốc” nghe nó gần gũi, thân thương hơn là bệnh viện, bác sĩ... Bao giờ trở lại ngày xưa, tình người?

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm