Cây Kơnia trồng trong khu vực Lăng Bác. |
Lên Tây Nguyên hình ảnh đầu tiên đến với du khách là hình dáng cây Kơnia. Giữa thảo dã mênh mông cháy đỏ một sắc bazan của mùa khô nghiệt ngã, cây Kơnia vẫn hiên ngang một màu xanh bất diệt. Trong cuộc sống lao động sản xuất hằng ngày đồng bào dân tộc bản địa không bao giờ chặt phá cây Kơnia. Và nếu giữa cánh rừng, cây Kơnia có bị già lụi, họ cũng không bao giờ dùng nó vào bất cứ việc gì - dẫu là làm củi đi chăng nữa...
Không phải là một thứ cây gắn với lễ nghi như cây Pơlang, cũng không có một truyền thuyết hay một sự tích kỳ bí nào dành cho nó nhưng Kơnia đã trở thành một thứ cây tâm linh trong đời sống đồng bào dân tộc. Chính vì thế mà trong những ngày đất nước bị chia cắt, khi bài thơ "Bóng cây Kơnia'' của Ngọc Anh ra đời rồi sau đó được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thì ''Bóng cây Kơnia'' đã ngay lập tức trở thành lời hát của lòng dân, trở thành biểu tượng của lòng dân Tây Nguyên kiên trung bất khuất hướng về Bác Hồ, hướng về cội nguồn dân tộc...
Thật cảm động là sau đó ở nhiều vùng đồng bào dân tộc đã dùng tên "Cây Cách mạng'' để đặt tên cho cây Kơnia... Tuy nhiên vẫn chưa có ai ngờ được rằng có một ngày cây Kơnia lại bén rễ trên đất thủ đô, tỏa bóng bên Lăng Bác...
Câu chuyện bắt đầu từ những ngày giữa năm 2002 khi đoàn đại biểu Gia Lai chuyển gỗ quý ra tu bổ Lăng Bác. Trong buổi gặp mặt thân mật, đồng chí Tư lệnh bảo vệ Lăng Bác nói:
- Cây của mọi miền đất nước đã về tụ họp bên Người, chỉ còn thiếu cây của Tây Nguyên.
Sự gợi ý này đã làm mọi người suy nghĩ... Biết chọn cây gì để nói hộ tấm lòng của đồng bào Tây Nguyên với Bác... Bà Rơ Châm H'Déo - nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Gia Lai bỗng nghĩ đến cây Kơnia. Phải, chỉ có cây Kơnia là vẹn tròn và ý nghĩa nhất. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai nhất trí với sự lựa chọn này và giao cho MTTQ tổ chức thực hiện...
Nghe nói cây Kơnia sẽ được đưa ra để trồng bên Lăng Bác, bà con dân tộc ở đâu cũng đề nghị chọn cây ở đất mình. Họ yêu cầu trồng cho được 79 cây tượng trưng cho 79 năm tuổi Bác. Tuy nhiên, không thể đáp ứng được hết mong muốn của bà con, lãnh đạo MTTQ tỉnh quyết định chỉ lấy 9 cây đúng với con số lẻ trong năm tuổi Bác. Cây sẽ được lấy ở Kon Chro - một huyện nghèo nhất tỉnh nhưng trải qua hai cuộc kháng chiến luôn là mảnh đất kiên trung, bất khuất nhất. Và để cho bà con khỏi ''thắc mắc'', 9 cây được chia đều cho 9 xã...
Hôm tổ chức đào cây, xã nào cũng vui như hội. Bà con mặc những bộ quần áo dân tộc đẹp nhất theo cán bộ đi chọn cây. Kỹ sư Vẻ cùng hai người giúp việc trước đó đã được lãnh đạo MTTQ tỉnh giao nhiệm vụ đảm nhận toàn bộ khâu kỹ thuật. Phải đảm bảo làm sao cho cây nào trồng cũng phải chắc sống. Đây thực sự là một công việc không đơn giản bởi khí hậu và thổ nhưỡng thủ đô hoàn toàn khác biệt với Tây Nguyên.
Kơnia quả là một loài cây kỳ lạ, rễ ngang ngắn nhưng rễ cọc lại ăn rất sâu. Cây cao chừng nào rễ dài chừng đó. Chỉ cần đứt một khúc rễ cọc là cây sẽ chết. Với kinh nghiệm từ lần trồng thử cây ở trụ sở Tỉnh ủy, ông Vẻ cho đào bầu rộng, cứ nửa mét lại lấy lạt tre đánh đai thật chặt. Cây cao 2m mà trọng lượng mỗi cây lên đến 1 tấn. Phải một chuyến xe Kamaz mới chở hết 9 cây...
Ngày làm lễ trồng cây bên Lăng Bác quả là một sự kiện trọng đại và xúc động đối với đồng bào các dân tộc Gia Lai. Đoàn đại biểu gần 50 người do bà Rơ Châm H'Déo làm trưởng đoàn gồm các già làng, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, đại diện đủ các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Gia Lai. UBND tỉnh đã tặng mỗi đại biểu một bộ quần áo dân tộc truyền thống để dự lễ.
Trong không khí trang nghiêm xúc động, bà Rơ Châm H'Déo đã thay mặt đồng bào các dân tộc Gia Lai nói lên lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao trời biển của Đảng, Bác Hồ. Lúc nào đồng bào Gia Lai cũng chỉ biết một lòng theo Bác, theo Đảng. Cây Kơnia bên Lăng Bác là biểu tượng của tấm lòng kiên trung, son sắt đó...
Sau lễ trồng cây, 50 đại biểu vào Lăng viếng Bác. Ai cũng cố đi thật chậm để nhìn Bác được lâu hơn. Rồi những tiếng khóc bật lên không kìm nén được... Ra khỏi Lăng mọi người xin đồng chí Tư lệnh bảo vệ Lăng cho được vào viếng Bác lần nữa. Hết lần thứ hai họ lại xin lần thứ ba, lý do là vì "khóc nhiều quá nước mắt nhòa đi, không nhìn rõ Bác''. Có người còn đòi được viếng Bác lần thứ tư. Những đoàn viếng Bác có mặt hôm đó đều hết sức ngạc nhiên với một đoàn đại biểu được vào viếng Bác ba lần liên tục - và có lẽ đó cũng là điều chưa từng có ở Lăng Người...
... Giữa những ngày tháng 8 và đầu tháng 9 lịch sử, đồng bào các dân tộc Gia Lai nhận được từ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Bác tin vui: cả 9 cây Kơnia đều đã bén rễ, nảy cành xanh tốt. Và từ bấy cho đến nay, bất chấp những ngày đông rét mướt, những ngày hè nắng lửa, 9 cây Kơnia vẫn giữ một màu xanh vĩnh hằng bất diệt. Quả là một điều kỳ diệu... Cây Kơnia vẫn thổi gió về phương mặt trời mọc, vẫn uống nước nguồn miền Bắc như lòng dân Tây Nguyên muôn đời vẫn vậy...
Lê Hân (CAND)