Cuộc thảm sát bị quên lãng

Người trong cuộc vẫn nhắc nhau về ngày giỗ chung mùng 10 tháng 3 âm lịch. Hôm ấy nhằm ngày 20-4-1975, 22 thường dân đang ăn cơm trưa bỗng trở thành nạn nhân từ những quả bom trước khi tháo chạy của không lực Việt Nam Cộng hòa. 19 người trong số họ chết tại chỗ.

Buổi trưa tang thương

Khu F là một trong nhiều khu dân cư ở Ba Tuy, Bình Tuy (nay là khu phố Lập Hòa, thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) mà chính quyền Sài Gòn từ năm 1973 dồn dân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vào thực hiện chương trình khẩn hoang lập ấp. Cả khu có khoảng 100 nóc nhà, người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nông.

Ngày 19-4-1975, quân cách mạng giải phóng Phan Thiết, tàn quân từ Tây Nguyên, miền Trung tháo chạy tán loạn vào Bình Tuy. Trưa 20-4, khi các gia đình ở khu F đang ăn cơm trưa thì tai họa ập đến. Hai chiếc máy bay F5 từ hướng Sài Gòn bay ra đột ngột quay đầu lại rồi bất ngờ bỏ bom. Một vùng quê nghèo đang yên tĩnh bỗng dậy sóng. Ông Năm Thành, người đàn ông sống sót trong vụ ném bom, kể ông không hiểu vì sao người ta lại có thể ném bom xuống khu vực dân cư này. Ông Thành cho biết sau đợt ném bom, mọi người bồng bế nhau chạy tán loạn, vài giờ sau mới dám quay lại và chứng kiến thảm cảnh xé lòng bởi chỉ trong chớp mắt mà có đến bảy căn nhà bị trúng bom, 19 người chết trong đó có em trai của ông và ba người khác bị thương.

Gia đình ông Trần Giòn gồm bảy người đang giữa bữa cơm trưa thì hết mắm, bà Giòn vội vã cắp nón sang tiệm tạp hóa gần đó để mua về ăn. Người đàn bà này vừa rời khỏi nhà không xa cũng là lúc quả bom đầu tiên rớt xuống ngay giữa mâm cơm. Sáu người trong gia đình gồm chồng và các con chết không toàn thây. 35 năm qua, người đàn bà tội nghiệp này đã trở nên điên dại vì nỗi đau vượt quá sức chịu đựng của một con người.

Cuộc thảm sát bị quên lãng ảnh 1

Anh Bùi Quang Chính đang thắp nhang trước bàn thờ chị Bùi Thị Sa, người chết trong vụ thảm sát khi mới 17 tuổi.

Ông Năm Thành cho biết khi gom xác gia đình ông Giòn lại mai táng cạnh hố bom còn bốc khói, ông đã dặn dò mọi người cố tìm cho hết các phần thân thể của từng người trong gia đình xấu số này để chia thành sáu nấm mồ. Khi nhặt được phần thân thể của đứa bé trai nhỏ nhất trong nhà mới lên ba tuổi, ai cũng phải quay mặt đi để giấu nước mắt vì miệng nó còn ngậm chặt đầy cơm đang ăn dở. Nhà ông Nguyễn Sương cạnh đó cũng mất luôn người vợ và ba đứa con gái. Cũng như bà Giòn, ông Sương may mắn thoát chết là do vô tình có việc phải ra ngoài. Đau lòng nhất là khi dỡ căn nhà cháy rụi của gia đình bà Thắm ra mới phát hiện bà Thắm cùng đứa con gái chưa được hai tuổi đã chết trong tư thế mẹ con ôm chặt nhau và miệng đứa nhỏ vẫn đang ngậm vú mẹ.

Hay trường hợp của bà Trang bị mảnh bom phạt đứt lìa một chân vẫn cố lết ra khỏi nhà kêu cứu. Mọi người đã dùng võng khiêng bà ra một lò gạch gần đó để băng bó nhưng đến chiều cùng ngày thì bà Trang trút hơi thở cuối cùng vì mất máu. 35 năm qua, ngôi mộ của người thiếu phụ này gần như không ai chăm sóc, nằm cô quạnh, lẻ loi. Đầu năm 2010, mọi người gần đó mới hùn nhau hốt cốt, đưa mộ bà Trang tập trung vào khu mộ gần đó.

Và cả đôi tình nhân Nguyễn Văn Đạt và Bùi Thị Sa. Cả hai đều 17 tuổi, vừa yêu nhau và đều ở cách xa khu vực bị ném bom. Thế nhưng định mệnh đã đưa anh Đạt trưa hôm đó đến gần nơi này và trúng mảnh bom vào bụng, hai ngày sau thì chết. Còn chị Sa đang chải tóc cho mẹ, bị một mảnh bom rơi thủng mái tôn, rớt ngay đỉnh đầu, chết tại chỗ...

Nỗi đau còn lại

Ông Trần Ngọc Thảo, sinh năm 1952, là người may mắn sống sót trong vụ ném bom này. Dù đã 35 năm trôi qua, khi kể lại ông vẫn chưa hết đau đớn, bàng hoàng.

Cuộc thảm sát bị quên lãng ảnh 2

Ông Trần Ngọc Thảo, người bị thương trong vụ thảm sát, chỉ chỗ bốn ngôi mộ gồm vợ và ba con của ông Trần Sương vừa hốt cốt đầu năm 2010.

Năm 1975, ông Thảo mới bước vào tuổi 23 và đã có một con trai tám tháng tuổi. Trưa 20-4, ông nằm võng đặt con lên ngực để ru ngủ thì nghe tiếng máy bay đến rất gần. Chưa kịp ngồi dậy, ông và con đã té nhào xuống đất bởi hàng loạt quả bom rơi xuống gần đó. Thấy nhói đau sau đầu, vừa đưa tay đã thấy đầy máu trong khi cả lưng áo đứa con trai bé nhỏ cũng đầm đìa máu. Theo ông Thảo, lúc đó gần như ông không còn nghĩ đến gì nữa trên đời này, mặc vết thương sau đầu, ông ôm chặt con vừa chạy vừa kêu cứu. Sau khi băng bó, hai cha con đều được cứu sống, ông đưa con về quê ở Quảng Ngãi như muốn trốn chạy cảnh tượng hãi hùng mà ông và con đã có một phần trong đó. Mãi 18 năm sau, năm 1993, ông Thảo mới cùng Hùng, cậu bé con năm nào trở về lại nơi đây sinh sống.

Anh Bùi Quang Chính (45 tuổi), em trai nạn nhân Bùi Thị Sa, cho biết năm đó anh vừa lên 10 tuổi nhưng đã ý thức được. Theo anh Chính, chị anh là người duy nhất trong số 19 người chết chôn có hòm được đóng từ số ván mà gia đình gỡ từ thùng đựng lúa ra, còn tất cả chỉ được quấn chiếu.

Một sĩ quan chế độ cũ khá rành về vụ này dự đoán có khả năng đây là vụ ném bom để phá hủy các thiết bị ở cứ điểm hải quân trên núi Tà Cú gần đó trước khi rút chạy của quân đội Sài Gòn và bị chệch mục tiêu. Theo người này thì qua nghiên cứu, trưa 20-4-1975 đã có hai chiếc F5 được lệnh xuất phát từ sân bay Biên Hòa để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, liệu việc tọa độ cách nhau gần ba cây số đường chim bay có thể xảy ra đối với vụ thảm sát bằng bom tấn này hay không?

35 năm đã trôi qua, hiện trường hãi hùng trưa 20-4-1975 đã được xóa sạch và thay vào đó là những vườn thanh long xanh tốt, trĩu quả. Khu dân cư Ba Tuy ngày nào đã trở thành khu phố Lập Hòa với khoảng 3.000 dân, đời sống sung túc và no ấm. Thế nhưng về nơi đây trong những ngày này, nước mắt vẫn rơi dù những người trong cuộc ai cũng cố nén nỗi đau khi được chính thức khơi gợi để kể lại câu chuyện.

Giờ đây, đã đến lúc những viên phi công thực hiện chuyến oanh tạc ấy phải biết rõ những quả bom họ ném xuống đã nhằm vào những thường dân vô tội.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm