Giá như người tù ấy không bỏ trốn

Cái tin đội phó đội tuần tra nhân dân ấp Tân Lâm bị công an bắt gây chấn động cả xã Tân Hà (Tân Châu, Tây Ninh). Vùng biên giới nghèo mấy ngày nay râm ran câu chuyện về người đàn ông từng là một tù nhân trốn trại. Ông tên thật là Đặng Hữu Hùng (50 tuổi), quê ở huyện Gò Dầu.

“Đội phó gương mẫu” bị bắt

Cách đây hơn 30 năm, ông Hùng làm ở đội thuế cửa khẩu Mộc Bài. Trong một lần bắt hàng lậu, xảy ra xô xát đông người, ông Hùng nổ súng và làm một người trọng thương. Sau vụ việc, ông phải nhận án 13 năm tù, sau giảm xuống còn 10 năm, thụ án ở trại giam Xuyên Mộc (Vũng Tàu). Chấp hành án được hơn nửa thời gian, ông Hùng trốn trại, phiêu bạt khắp nơi. Cách đây hơn chục năm, khi đã ở tuổi trung niên, ông Hùng đến Tân Hà sinh sống với cái tên mới là Lý Như Dũng. Ban ngày đi làm mướn, giúp vợ buôn bán tạp hóa. Buổi tối cùng anh em trong đội tuần tra đi tuần, bảo vệ an ninh cho xóm ấp.

Đội trưởng đội tuần tra là anh Lê Văn Sơn cho biết: “Từ hồi ảnh về đây, làm việc rất có trách nhiệm, giao việc gì cũng hoàn thành. Nói thiệt là anh em trong đội tuần tra làm việc với tinh thần trách nhiệm là chính chứ không có lương, không có phụ cấp, chỉ có tiền bồi dưỡng mỗi tháng được hơn 200.000 đồng/người. Tôi không biết quá khứ của anh Dũng (tên mới của ông Hùng), sau khi ảnh bị công an bắt tôi mới biết. Tôi tiếc cho ảnh. Nếu ảnh chấp hành án tốt rồi hoàn lương, làm lại cuộc đời thì hôm nay đâu phải tới bước ngoặt này”.

Bà Phướng (vợ ông Hùng): “Tôi khóc hoài nhưng đã thấy nhẹ nhõm!”. Ảnh: HM 

Anh Sơn và tất cả anh em trong đội tuần tra đều bất ngờ về nhân thân của “đội phó gương mẫu”. Người dân trong ấp cũng vậy. Điều đáng quý ở đây là người dân rất rộng lòng. Mọi người vẫn chạy sang nhà ông Hùng thăm hỏi, động viên vợ con ông. Nhiều người còn dặn vợ ông Hùng động viên ông chấp hành án tốt để sớm quay lại sống với bà con chòm xóm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (56 tuổi), hàng xóm của ông Hùng, cho biết: “Ông Dũng hiền lành, chưa làm mất lòng ai. Mấy hôm nay khu giáp biên này lộn xộn dữ lắm, trộm cắp ở đâu vô đây lộng hành. Nhà tôi cũng bị mất hai chiếc xe máy. Ông Dũng với mấy anh em đi tuần suốt, có hôm thấy ổng mang theo võng giăng ngủ ngoài đầu vườn cao su, bà con ở đây thương lắm. Tôi không ngờ ổng là tội phạm. Tôi tiếc cho ổng…”. Chồng bà Thu Hà là ông Nguyễn Văn Còn (tổ trưởng tổ tự quản) cũng thở dài bày tỏ: “Tôi cũng thấy tiếc cho ổng, giá mà ở thêm thời gian nữa thì về mất rồi, sao mà dại dột quá. Giờ thì án chồng án…”.

Không thể trốn chạy mãi

Bà Nguyễn Thị Phướng, vợ ông Hùng, kể trong nước mắt: “Hồi đó ai vô trại nói với ảnh là tôi có người mới, ảnh mới trốn về tìm tôi. Gặp nhau rồi, tôi khuyên ảnh quay về chấp hành án, chỉ còn khoảng ba năm nữa thôi. Lúc đó con tôi mới được sáu tuổi. Ảnh chần chừ hoài. Được một thời gian thì tôi có bầu. Ảnh qua Campuchia, Long An đi làm đủ thứ việc như mần ruộng, nuôi vịt, nuôi cá, làm thợ chụp ảnh phụ tôi nuôi con… Rồi tôi lên đây buôn bán, làm hộ khẩu ở đây, một thời gian sau thì ảnh cũng lên, nhập được hộ khẩu rồi ở tới bây giờ”.

Từ ngày biết chuyện chồng trốn trại, bà Phướng ngày đêm thấp thỏm, lo âu, sợ một ngày ông Hùng bị bắt một lần nữa. Rồi điều bà lo sợ cũng đến. Dù vậy, ngay trong thời gian này, bà lại cảm thấy nhẹ nhõm: “Tôi khóc hoài nhưng đã hết thấp thỏm, lo âu. Không ai có thể trốn cả đời được. Sau này ảnh sẽ không phải chạy trốn nữa. Chỉ mong ảnh được thụ án ở gần để tôi đi thăm chứ ra tận Xuyên Mộc thì bệnh tình của tôi không ráng nổi”.

Bà Phướng cho biết nếu không phải canh cánh lo lắng chuyện ông Hùng trốn trại suốt mấy chục năm qua thì cuộc sống đã rất mãn nguyện. Dù ở miền quê biên giới này bà con hầu hết đều nghèo nhưng mọi người rất quan tâm, lo lắng, đùm bọc cho nhau.

Rồi đây ông Hùng sẽ phải trả nợ án cũ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi trốn trại của mình. Điều may mắn là gia đình, hàng xóm luôn đợi ngày ông hoàn lương trở về. “Giá mà tôi thuyết phục ảnh kiên quyết hơn. Tôi biết đây là sai lầm của ảnh. Ảnh chấp hành án xong về vẫn làm lại được mà” - bà Phướng lại khóc.

HỒNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm