Nỗi buồn “xã xuất ngoại”

Sau Tết Nguyên đán, trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua cầu An Nông, xã Lộc Bổn mỗi buổi sáng có hàng trăm người dân đủ mọi lứa tuổi đón xe qua Lào làm ăn.

Đua nhau đi Lào

Ngồi đợi ở ven đường từ rạng sáng cho đến trưa nhưng gia đình anh Phạm Văn Ngọc (thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn) vẫn chưa đón được xe. Trời nắng gắt, 2 con của anh là Phạm Thị Uyên (3 tuổi) và Phạm Thị Cúc (1 tuổi rưỡi) tỏ ra mệt mỏi. Bé Cúc khóc thét đòi mẹ đưa về nhà bà nội, bé Uyên thì gạ gật trong vòng tay của cha. Cùng đi với gia đình anh Ngọc còn có rất nhiều người em ruột, bà con bên vợ cùng qua TP Vientiane mưu sinh. Ở đó, anh Ngọc làm nghề xây dựng, còn vợ và những người em gái thuê nhà mở tiệm cắt tóc.

Nỗi buồn “xã xuất ngoại” ảnh 1

Hai bé Phạm Thị Uyên và Phạm Thị Cúc cùng cha mẹ đợi xe qua Lào
Anh Ngọc cho biết vợ chồng anh qua Lào làm ăn hơn 10 năm nay. Bé Cúc và bé Uyên sau khi sinh ở quê được 4 tháng cũng đều theo cha mẹ qua đó sinh sống. Họ chỉ về quê vào dịp Tết hoặc khi gia đình có việc đại sự. Tại Vientiane, họ thuê một căn nhà trọ vừa ở vừa làm tiệm cắt tóc, bé Uyên và Cúc ngày ngày ở nhà cùng mẹ và các dì. “Bên đó cũng có dịch vụ nhà giữ trẻ của người Việt nhưng giá gửi đắt quá nên tôi đành cho con ở nhà cùng mẹ. Đến khi chúng 4-5 tuổi, vợ chồng tôi sẽ cho 2 con về quê sống cùng ông bà để đi học” - anh Ngọc tâm sự.

Quốc lộ 1 đoạn đi qua các thôn Bình Yên, Thuận Hóa, Hòa Vang của “xã xuất ngoại” Lộc Bổn, những ngôi nhà 2-3 tầng mọc lên san sát nhưng lạ thay chỉ toàn gặp phụ nữ, người già và trẻ em. Ông Trần Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn, lý giải rằng sau Tết dân làng đua nhau qua Lào, làng nào cũng vắng vẻ. Ngay cả trẻ em chưa đến tuổi học hành cũng theo cha mẹ qua đó.

Ám ảnh HIV 

Dọc con đường từ Quốc lộ 1 dẫn vào thôn Hòa Vang, những ngày sau Tết có rất nhiều căn nhà mới khang trang giờ đây cửa đóng then cài. Những chậu cúc, chậu mai héo tàn do không có người chăm sóc.

Ông Nguyễn Văn Linh, trưởng thôn, cho biết thôn có 1.180 hộ với hơn 6.000 người nhưng có trên 70% dân số trong độ tuổi lao động và khoảng 25% gia đình đóng cửa nhà suốt năm để qua Lào mưu sinh. Nhiều lúc làng xã có việc gì thì rất khó huy động người dân tham gia.

Qua Lào làm ăn, nhiều người dân xã Lộc Bổn phất lên  nhưng cũng không ít người bỏ mạng tại đất khách hoặc bị nhiễm HIV. Thắp nén hương cho chồng và người con đầu vừa chết trước Tết, chị Đ.T.B.H không kìm được nước mắt khi nhìn gương mặt trẻ trung, tươi sáng trong di ảnh trên bàn thờ của đứa con trai vừa qua đời do AIDS. Trước đó, vào tháng 9-2010, anh H.V.T (chồng chị H.) cũng qua đời sau một vụ tai nạn ở Lào.

Cách nhà chị H. không xa, căn nhà của chị N.T.B.Th còn cô quạnh hơn. Năm 2010, chồng chị là anh N.P.H. qua đời do AIDS và chị Th. cũng bị lây nhiễm HIV. “Anh H. là giáo viên tiểu học ở xã, do hoàn cảnh khó khăn nên qua Lào mưu sinh. Cứ tưởng cuộc sống họ khá giả hơn nhưng nào ngờ, vợ chồng đều dính phải căn bệnh quái ác, chỉ tội 4 đứa con đang học CĐ, ĐH có nguy cơ nghỉ giữa chừng” - ông Linh trầm ngâm.

Theo bác sĩ Võ Đại Thuận, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lộc Bổn, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại xã này là vào năm 2004. Đến nay, xã đã có 23 người nhiễm HIV, trong đó 10 người chết do AIDS.

Không vào khu công nghiệp làm thuê

Theo ông Trần Văn Hoa, nhờ đi Lào nên hàng trăm gia đình xây được nhà lầu, mua ô tô. Ngày Tết, ô tô đậu chật đường nhưng sau đó thì vắng hoe”. Theo ước tính, hiện có khoảng 3.000-4.000 người dân Lộc Bổn qua Lào làm ăn, trong đó thôn Hoà Vang chiếm tỉ lệ đông nhất. “Dân xã Lộc Bổn không qua Hàn Quốc, Nhật, Đức được thì chỉ sang Lào làm ăn chứ không vào các khu công nghiệp làm thuê đâu” - ông Hoa khẳng định.

Theo Quang Nhật (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm