Ở thung lũng tu tiên

Mường Lựm theo tiếng Thái nghĩa là vùng đất của sương mù bao phủ, hay vùng đất bị lãng quên. Đường lên Mường Lựm đèo dốc quanh co, uốn lượn. Trước đây người già bảo, lên Mường Lựm giống như đường lên trời vì đi bộ cả ngày mới đến nơi. Giờ đây đường ô tô đã mở tận vào các bản nhưng mỗi khi lên đây, ai cũng có cảm giác như lạc vào cõi tiên: Bầu trời trong xanh, sâu thăm thẳm. Mây trắng lững lờ trôi tựa như có bà tiên nào đó đã tãi hàng nghìn hàng vạn đụn mây lên các sườn núi. Gió hát nhẹ nhàng mang theo hương rừng, hương núi tạo cảm giác thật êm ái.

Hồ Mường Lựm trong xanh như ngọc. Những mái nhà sàn của người Thái thấp thoáng dưới chân núi, bên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn thật bình yên. Đứng giữa thung lũng hít căng lồng ngực mà thưởng thức cái không khí tiên cảnh bồng lai nơi đây thật tuyệt.

Những cây đại thụ giữa đại ngàn

Bản Lựm có nhiều người cao tuổi nhất xã. Hầu hết số hộ là người dân tộc Thái. Cụ Hà Thị Oi được coi là người đang giữ “kỷ lục” sống qua 12 con giáp. Cụ Oi không có con trai, giờ cụ đang sống với con gái là Hà Thị Mười, năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi. Lần đầu gặp cụ ai cũng ngạc nhiên vì trên trăm tuổi mà cụ vẫn lên xuống nhà sàn bình thường, tự phục vụ bản thân. Hôm chúng tôi đến thăm, cụ đang sưởi nắng ngoài ban công nhà sàn. Cụ không nói được tiếng phổ thông, nhưng thấy khách lạ vào chơi, cụ luôn miệng mời “kin nậm” - mời uống nước.

Ở thung lũng tu tiên ảnh 1

Hỏi tuổi cụ không nhớ, chỉ biết rằng cụ đã chứng kiến hơn một trăm mùa trăng với bao biến thiên của đất nước. Qua lời phiên dịch của anh cán bộ xã, cụ kể, hồi còn trẻ, cụ xinh đẹp lắm, tạo Mường (một chức quan) bắt làm “sao xe” (diễn viên đội văn nghệ), chuyên đi múa, hát phục vụ các quan mỗi khi có lễ hội Mường. “Sao xe” ngày xưa chân phải quấn xà cạp, không được xắn váy cao, ngồi xép nép mới đúng con gái Thái bản mường.

Trong căn bếp ấm cúng, ông Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã tư lự đưa ra phép so sánh đến lạ: “Cái anh y tế ở đây nhàn rỗi nhưng tôi lại bận bịu suốt. Bởi lẽ thành viên Hội Người cao tuổi của xã luôn cao hơn các nơi khác. Nếu ở đây tổ chức lễ khao thượng thọ, rồi thượng thượng thọ cho tất cả các cụ, e rằng quỹ Hội thâm hụt nặng”.

Thấm thoắt mấy chục mùa rẫy trôi qua. Mấy năm trước còn khỏe cụ vẫn đi quanh bản thăm con, cháu, chút, chít. Cụ bảo, cụ nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước từ nhiều năm nay rồi. Năm nào cũng nhận được lụa của Chủ tịch nước gửi tặng. Cụ phấn khởi lắm. Đất nước hòa bình nên người già cũng được sướng lây. 
 
Cụ Hoàng Thị Nhưa, 95 tuổi, có 4 người con, con trai cả của cụ đã gần 70 tuổi. Cụ đang sống với con trai út là anh Hoàng Huy Thưởng, hiện là Hiệu trưởng trường Tiểu học Mường Lựm. Khi chúng tôi đến, cụ đang ngồi thêu bên bậu cửa nhà sàn. Đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc đưa đi đưa lại thoăn thoắt bên khung thêu.

Bên bàn trà, cụ trò chuyện với khách rất cởi mở bằng tiếng phổ thông, thỉnh thoảng cụ cười, lộ rõ hàm răng trắng đều tăm tắp như hạt na và chưa rụng cái nào. Những năm kháng chiến cụ tham gia làm liên lạc khắp vùng. Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, cụ như trẻ ra: “Ui chà. Ngày đó Mường Lựm chưa có đường cái đâu, cứ theo lối mòn, lần theo dấu con hươu, con nai mà đi thôi. Tôi làm liên lạc cho các cán bộ người Kinh rồi đi vận động hàng binh nữa đấy…”. Cụ được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba vì những đóng góp cho cách mạng.

Nói về cách giữ gìn sức khỏe, cụ thản nhiên: “Cơm tự cày cấy dưới ruộng, rau cỏ tự trồng, tự hái trên nương; gà, lợn tự nuôi; cá, tôm tự đánh bắt dưới suối; uống nước từ khe núi... Cứ vậy, không chỉ riêng tôi mà nhiều cụ trong bản này đã sống đến trăm tuổi mà chưa bao giờ phải đi bệnh viện cả!”.

Ở xã Mường Lựm còn có cụ Mỷ, năm nay tròn 100 tuổi. Dù tuổi cao nhưng hằng ngày cụ vẫn phơi ngô, phơi thóc, nấu nướng cho con cháu. Rồi cụ ông Hoàng Văn Sán cũng đang tiến tới ngưỡng 100 tuổi. Cụ không có con và hiện ở cùng người con nuôi. Trong ngôi nhà sàn rộng thênh thang, cụ ngồi đan ếp khẩu, bồ, sọt… Cụ là người làm kinh tế giỏi của bản. Năm 2005, khi tròn 90 tuổi, cụ vinh dự được nhận danh hiệu “nông dân sản xuất giỏi” của xã.

Y tế “thất nghiệp”, Hội Người cao tuổi “quá tải”

Đến trung tâm xã Mường Lựm vào giữa trưa, ông Hoàng Văn Thật, Trạm trưởng y tế xã đang ngồi uống nước rất thảnh thơi. Trạm y tế vắng tanh, mấy chiếc giường bệnh chiếu xộc xệch, chắc lâu không có bệnh nhân. Cửa phòng khách im ỉm khóa. Ông Thật rất tự hào khi nói về tình hình sức khỏe của bà con: “Người dân ở đây để các nhân viên y tế “thất nghiệp” hết”.

Ở thung lũng tu tiên ảnh 2

Cụ Nhưa ngót trăm tuổi nhưng ngày ngày vẫn thêu thùa

Ông Thật cho biết, Trạm có 6 người thì bác sĩ sản khoa là bận nhất. Còn những người làm chuyên môn khác thỉnh thoảng có đợt khám chữa bệnh theo chương trình mới có việc. Nguyên nhân chính là do người dân ở đây… khỏe quá, chẳng có bệnh tật gì. Ngay cả các cụ đã sống qua 2 thế kỷ cũng gần như không mắc bệnh hiểm nghèo, chỉ ốm sơ sơ vài ngày rồi lại khỏi. Ông Thật làm ở Trạm đã gần 20 năm nhưng chưa thấy cụ già nào phải điều trị thuốc dài ngày.

Ông Hoàng Văn Hương, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, năm nay ngoài 70 nhưng nom còn khỏe lắm. Mái tóc mới điểm vài sợi bạc. Nước da tươi nhuận, giọng nói sang sảng. Trong căn bếp ấm cúng ở nhà sàn rộng mênh mông, ông Hương tư lự rồi đưa ra một phép so sánh đến lạ: “Cái anh y tế ở đây nhàn rỗi nhưng tôi lại bận bịu suốt. Bởi lẽ thành viên Hội Người cao tuổi của xã luôn cao hơn các nơi khác. Nếu ở đây tổ chức lễ khao thượng thọ, rồi thượng thượng thọ cho tất cả các cụ, e rằng quỹ hội thâm hụt nặng”. Nói vậy chứ ông Hương luôn tự hào vì người già nơi đây khỏe mạnh, dẻo dai hơn người.

Hiện Mường Lựm có 45 cụ tuổi từ 80 - 115, trong đó có 2 cụ 115 tuổi, 1 cụ 100 tuổi (các cụ hằng năm đều được Chủ tịch nước tặng lụa), 3 cụ trên 90 tuổi và 40 cụ trên 80 tuổi. Người thọ nhất ở đây là cụ Hoàng Thị Sé, 130 tuổi, cụ mất năm 2009. Con gái của cụ là bà Hoàng Thị Bông năm nay bước sang tuổi 81.

Theo lời ông Hoàng Văn Mến, Bí thư Đảng ủy xã, sở dĩ các cụ sống thọ là vì được sống trong môi trường thiên nhiên trong lành, và một điều hết sức quan trọng, đó là: Làng bản, con cháu đoàn kết, gia đình hòa thuận, kinh tế ổn định. Ở Mường Lựm, các cụ tuy cao tuổi, nhưng vẫn chịu khó lao động, không ỷ lại vào con cháu. Chả thế mà có ông, bà đã gần 80 tuổi vẫn ở riêng, ngày ngày leo dốc, lên rừng, xuống núi chăn nuôi, hái lượm…

Theo Thuần Việt (Báo TNVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm