Nghệ sĩ và những món nợ khó đòi

Đòi vô vọng!

Vợ chồng nhạc sĩ Trương Lê Sơn và ca sĩ Hoàng Lê Vi.
Vợ chồng nhạc sĩ Trương Lê Sơn và ca sĩ Hoàng Lê Vi.

Cách đây chưa lâu, nhạc sĩ Trương Lê Sơn thổ lộ với một tờ báo điện tử việc vợ anh - ca sĩ Hoàng Lê Vi - bị người biên tập nhạc của một bar có tiếng ở Hà Nội bớt xén thù lao, dù số tiền hai bên thỏa thuận rất "bèo" và “không đáng gọi là cát-xê”. Theo anh, đêm diễn rất thành công vì ở Hà Nội có khá nhiều khán giả yêu thích ca khúc Vắng anh mùa đông mà chưa bao giờ gặp Hoàng Lê Vi. Nhưng khi về khách sạn mở phong bì thì số tiền chỉ bằng một nửa so với mức đã thương lượng. Nhạc sĩ gọi điện thoại cho người biên tập rất nhiều lần nhưng không liên lạc được. Khi liên lạc thì người đó viện ra “những lý do không hề chính đáng để biện minh”. Anh tỏ vẻ thất vọng khi biết người biên tập là một ca sĩ!

Đó là thỏa thuận miệng. Còn nhà biên kịch trẻ Hà Thuỷ Nguyên hợp đồng hẳn hoi với Công ty B.W về việc viết bộ kịch bản gồm 60 tình huống (5 phút/tình huống). Theo đó, cô sẽ nhận đủ 60 triệu đồng khi bàn giao kịch bản hoàn chỉnh sau khi đề cương đã được bên đặt hàng thông qua. Hà Thuỷ Nguyên lên ý tưởng và làm việc với ê-kíp rồi ứng tiền túi để trả trước 30 triệu đồng cho các nhà biên kịch trong nhóm. Thế nhưng, đúng ngày giao hẹn, cô mang kịch bản đến bàn giao cho công ty và nhận được lời hứa ngày hôm sau đến thanh toán. Ngày hôm sau cô đến thì không gặp được người phụ trách kế toán. Linh cảm thấy sự chẳng lành, hôm sau nữa, cô cùng chồng tới công ty để đòi tiền. Nhưng tới nơi thì công ty B.W đã… lặn mất tăm. Cô liên lạc với người có trách nhiệm thì máy điện thoại chỉ “tò tí te”.

Khi các tập phim "phát sinh"

Cũng Hà Thuỷ Nguyên, đang đi đòi tiền bản quyền một kịch bản phim từ một công ty truyền thông tư nhân do một nữ MC truyền hình trẻ trung và xinh đẹp làm giám đốc. Theo hợp đồng bán bản quyền 9 tập (45 phút/tập) kịch bản (KB) và đã được thanh toán đủ số tiền khi bộ phim bấm máy.

Nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên.
Nhà văn trẻ Hà Thủy Nguyên.

Nhưng trên thực tế thì bộ phim được kéo dài thành 13 tập. Hà Thuỷ Nguyên cho biết, nhiều người trong êkíp làm phim cũng chưa được trả cát-sê các tập phim “phụ trội”. “KB phân cảnh hầu như không hề viết thêm nhiều so với KB văn học, thậm chí còn cắt bớt đi. Tôi cũng được xem bộ phim sau khi dựng và thấy đường dây câu chuyện, các tình huống cơ bản như KB tôi đã viết. Tôi đề cập với nhà sản xuất về số tiền bản quyền KB của những tập “phát sinh” nhưng họ chỉ hứa khi nào phim bán được cho truyền hình mới trả tiếp”, Hà Thủy Nguyên cho biết. “Vụ” này thì không ít người đã gặp vì việc các nhà sản xuất phim tư nhân kéo dài kịch bản để thu thêm tiền quảng cáo không còn xa lạ. Ngay cả các hãng phim nhà nước thì việc KB ghi 22 tập nhưng khi phim hoàn thành “biến” thành 24 tập vẫn xảy ra như cơm bữa. Các diễn viên thủ vai chính trong phim được mời đến để nhận thêm thù lao nhưng tính ra thì “chả ăn thua gì” so với mức trung bình chia cho số tập mà họ đã nhận trước đây.

Để không bị “hớ” hay “hở”

Bộ phim ra đời là sản phẩm của cả một tập thể nên những chuyện bùng nhùng về cát-sê thường xảy ra ở đây. Hơn một lần người viết bài này nghe những người cộng tác với đạo diễn T.N ca cẩm về việc bị ăn chặn thù lao. Cả hai bộ phim của vị đạo diễn này làm về giới trẻ, đều do một nhóm tác giả viết KB nhưng cuối cùng tiền ăn chia với các bạn trẻ không nên đầu nên đũa nên ai nấy đều than thở. Chấp nhận không xuất hiện tên tuổi trên phim dù công sức bỏ ra cho bộ phim không ít nhưng cuối cùng thì thù lao cũng không làm họ thỏa mãn. Có người còn không được đồng nào, nghĩa là bị đạo diễn này… bùng!

Hà Thuỷ Nguyên cho rằng: “Cơ chế thực hiện luật bản quyền nước ta chưa chặt nên anh em nghệ sĩ bị thiệt thòi. Chẳng hạn, tác giả đã đăng ký bản quyền một kịch bản nhưng… chẳng may gặp nhà sản xuất nổi lòng tham muốn chiếm đoạt, cho người sửa chữa bằng cách thay tên đổi họ nhân vật, thêm bớt một vài chi tiết, đặt lại tên… rồi đi đăng ký bản quyền. Đã có tác giả điêu đứng vì tác phẩm bị chiếm đoạt theo dạng này. Họ thường là những người mới vào nghề”. Trên mạng, nhiều người đã kêu ca việc nghĩ ra ý tưởng cho chương trình rồi trong quá trình đi qua các “cửa”, từ nhà sản xuất đến đài truyền hình rồi… nó bị từ chối nhưng một thời gian sau một chương trình khác ra đời có những phần, những ý bị “thuổng” mà khổ chủ chẳng thể… kiện ai (!).

Cũng một phần do cách làm việc cảm tính của các nghệ sĩ ta, nhất là những người trẻ mới chân ướt chân ráo vào nghề, được người tên tuổi hay hãng phim lớn đặt hàng hoặc mời cộng tác thì không còn đặt nặng chuyện tiền nong. Có người xác định đó là cơ hội để học nghề hay thực hành nghề nghiệp. Họ lăn xả vào công việc mà không có bất kỳ thỏa thuận nào bằng văn bản. Tuy nhiên, khi sản phẩm ra đời và có tiếng vang, rồi thông tin thù lao hay đầu tư cho bộ phim rò rỉ, đến lúc ấy họ mới bắt đầu so bì và thấy bị thiệt thòi… Không hiểu luật hay hiểu không đến đầu đũa hoặc coi nhẹ những ràng buộc về pháp lí nên nghệ sĩ trong nhiều trường hợp những người làm nghệ thuật không bảo vệ được quyền lợi cho mình.

Vậy nên, để bảo vệ quyền tác giả, để sáng tạo nghệ thuật tiếp tục được thăng hoa và để duy trì sức sáng tạo lâu dài, nghệ sĩ nên biết bảo vệ mình bằng những thỏa thuận “giấy trắng mực đen”.

Món nợ "treo"

Không phải bị “xù” tiền nhưng vốn bỏ ra làm phim bị “treo” hàng năm trời cũng khiến không ít nhà sản xuất phim tư nhân điêu đứng. Đạo diễn Q.H đã hoàn thành 24 tập phim mà công ty anh nhận “đặt hàng” từ phía một công ty truyền thông có tên tuổi thuộc một tập đoàn lớn. Tính từ thời điểm phim bấm máy đến nay đã hơn một năm trời, phim dự tính ra mắt mùa Hè cho hợp với lứa tuổi học trò và câu chuyện trên phim, nhưng Hè qua, Thu tới và sắp… Đông mà phim vẫn chưa công chiếu trên truyền hình. Đạo diễn này cũng không thể biết phim sẽ được chiếu trên kênh nào, Đài nào vì việc này thuộc về công ty truyền thông đã đặt hàng. Chỉ có điều, anh biết chắc chắn: số tiền gần anh đã ứng trước để trả cho các thành phần làm phim bị “treo” suốt gần một năm qua đã vượt qua con số hơn nửa tỷ đồng nếu anh phải vay ngân hàng!

Theo Hải Đông (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm