Theo quan sát của PLOcó nhiều dầu lâu năm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bị đốn hạ từ sáng đến trưa ngày 26-11. Hệ thống cây dầu ở Sài Gòn được đem về từ thời Pháp.
Cây dầu thuộc họ dầu, thân gỗ cho bóng râm. Hàng cây không chỉ che mát đoạn đường mà còn giúp nhiều thế hệ người Sài Gòn thêm ký ức bởi những trái dầu xoay.
Hàng dầu ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đang bị đốn hạ. Ảnh chụp trưa 26-11. Ảnh: Chiến Bầu
Trao đổi với PLO, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Việc đốn hạ cây ở trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải phục vụ dự án nào mà từ việc thời gian qua có cây ở trục đường này bật gốc vào Thảo Cầm Viên gây nguy hiểm. Việc đốn cây là trong kế hoạch rà soát xử lý cây xanh gây mất an toàn vẫn thường làm".
Trong cơn mưa chiều ngày 9-10 vừa qua đã có một cây dầu bật gốc ngã vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm khoảng 3m tường sập và gây hư hỏng chuồng rái cá.
Cây thân gỗ lâu năm bị chặt khiến người dân xót xa. Ảnh: Chiến Bầu
Trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) chiều dài chưa đến 1,5km nhưng là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn. Nó bắt đầu từ nút giao với Nguyễn Hữu Cảnh và kéo dài đến vòng xoay Điện Biên Phủ. Con đường này cắt với nhiều đường lớn của Sài Gòn: Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Văn Thủ…
Người dân TP.HCM ngẩn ngơ vì hàng cây xanh mát dần mất.
Ảnh: Chiến Bầu
Con đường này với đoạn đường giao từ Lê Duẩn đến Nguyễn Hữu Cảnh được nhận xét là con đường yên tĩnh, xanh mát bậc nhất của Sài Gòn. Đoạn đường này cũng đã góp nên lời nhạc cho ca khúc “Con đường tình ta đi” của cố nhạc sĩ Phạm Duy: “Lá đổ để đưa đường hỡi người tình Trưng Vương…”.
Hàng cây dầu ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vào tháng 4-2020.
Ảnh: Quỳnh Trang
Bởi đoạn đường này gắn với lịch sử Sài Gòn qua các tu viện, trường học, di tích như: Tu viện dòng Thánh Phao lô, Trường THTP Trưng Vương, Trường THCS Võ Trường Toản… và nhất là Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm trong cơn mưa chiều 30-9-2021, ngày cuối cùng của đợt TP.HCM giãn cách xã hội vì đại dịch. Ảnh: Quỳnh Trang
Thời Pháp con đường được đánh dấu là đường số 2. Các cột mốc, năm 1871, 1897, 1936 và 1943 đường được lần lượt được đổi tên thành: Tây Ninh, Rousseau, Docteur Angier, Angier. Và đường chính thức mang tên học giả Nguyễn Bỉnh Khiêm từ ngày 22-3-1955.