NGÃ RẼ VỚI ĐẠO DIỄN NGUYỄN TƯỜNG PHƯƠNG:

Trong cái ác chắt lọc ra cái thiện!

Để nhận được những lời khen như thế, hơn nửa đời người đạo diễn Tường Phương đã giữ được cho mình một đời sống đẹp!

Bất cứ ai biết đạo diễn Tường Phương đều thấy ở anh một hình ảnh mô phạm, thuần khiết: không nhậu nhẹt, không thuốc lá, gắn bó với vợ con, dạy học nghiêm khắc, nói năng chuẩn mực, sống và làm việc cần cù, không đua tranh. Anh lớn lên trong một gia đình nhà giáo - cha là giáo sư mỹ thuật Nguyễn Văn Yến, từng tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương và là một du học sinh ngành mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam tại Ý.

Làm phim từ nỗi ám ảnh

Trong Ngã rẽ, người xem quặn lòng, rơi nước mắt về tuổi thơ bơ vơ của cậu bé Liêm. Người cha giàu có không nhìn nhận, mẹ Liêm trôi giạt ở một vùng quê nghèo, bán thân để nuôi con trong bệnh tật. Người mẹ dù có chửi mắng, trút đòn thù lên con cũng muốn Liêm đi học để không khổ một đời. Nhưng nhà trường lại ghẻ lạnh với cậu bé học dốt, bởi chẳng bao giờ được mẹ kèm cặp ở nhà. Cuối cùng, vì một lỗi lầm, Liêm bị nhà trường đuổi học như trút gánh nặng, để không bị ảnh hưởng thành tích, bất chấp mẹ Liêm quỳ lạy xin thầy hiệu trưởng. Mẹ mất, tuổi thơ côi cút của Liêm lấm bụi giang hồ, lớn lên thành một con sói độc ác - bán các cô gái nhẹ dạ ra nước ngoài.

Đối ngược với Liêm, Hôm - cô bạn cùng lớp và em gái Mai được lớn lên trong tình thương yêu, giáo dục của ba mẹ và ông nội. Gia đình hai cô bé có lúc lâm vào cảnh cùng quẫn, bế tắc vì người cha làm thợ hồ bị tai nạn nằm liệt giường. Tuy nhiên họ vẫn vượt qua sóng gió nhờ tình yêu thương, bảo bọc, tương trợ nhau. Ám ảnh về sự côi cút của Liêm, cô giáo Hôm luôn yêu thương, không bỏ rơi học sinh. Mai - sinh viên báo chí giàu nhiệt huyết, bức xúc trước nạn buôn người, Mai đã xuống miền Tây tìm câu trả lời cho bài phóng sự đầu tiên của mình. Cuộc đời của Liêm và lần đi tìm câu hỏi về thân phận con người của Mai đã làm nên câu chuyện nhiều kịch tính, đẫm nước mắt của Ngã rẽ.   

Trong cái ác chắt lọc ra cái thiện! ảnh 1

Nguyễn Trí Thảo (phải) lần đầu tiên đóng phim đã để lại nhiều lời khen và sự thương xót nơi khán giả khi vào vai Liêm lúc nhỏ.

Tường Phương kể câu chuyện phim của mình bằng những khuôn hình tâm huyết, chắt chiu, giàu cảm xúc, khiến người xem cảm động, bồi hồi mãi về căn nguyên thiện ác nơi một con người. Cứ tưởng câu chuyện hư cấu này chỉ thuần là phim nhưng trong một khoảnh khắc bất chợt bộc lộ tâm tư sâu khuất mới thấy có cả cuộc đời Tường Phương trong tác phẩm. Tường Phương kể: “Như thằng bé Liêm, tôi lớn lên cùng cái ác và những tiếng chửi thề”. Hồi nhỏ, ba Tường Phương tuy có tiếng tăm nhưng là nhà giáo thanh bần, sống nghèo. Để nuôi sáu đứa con ăn học, người mẹ phải mở quán cơm kiêm quán nhậu mà khách ăn nhậu chủ yếu là binh lính quân đội Sài Gòn. Cậu bé Tường Phuơng giúp mẹ bưng hàng cho khách. Đám lính say rượu chửi thề và đánh nhau như cơm bữa. Có những người kêu cơm, rượu, cậu bé Phương chưa kịp mang ra thì đã bị bợp tai, đá đít kèm theo tiếng chửi rủa. Có một lần bị đánh, một người lính lớn tuổi ôm Phương vào lòng, thủ thỉ là “Bác chưa ăn cơm, con không đem nhanh, bác phải đi hành quân, bác bị đói đó”. Chỉ có vậy thôi mà cậu bé chạy ra bờ sông òa khóc. Nhớ lại mà Tường Phương bây giờ vẫn chảy nước mắt. Anh bảo: “Trong mắt tôi lúc ấy, những thằng lính kia sao mà ác quá, dữ quá. Cũng là lính nhưng sao có người hiền như bác lớn tuổi đó. Rồi tôi chứng kiến những lúc bọn lính kia đau khổ, cắt tay tự sát. Lúc khác tôi lại thấy họ cao trọc đầu, quấn khăn tang, rót rượu đổ xuống đất khóc thương những người bạn chết trận của mình. Tôi mơ hồ nhận ra rằng trong con người ta bao giờ cũng có phần thiện, biết khổ đau, biết xót thương, biết tình thân. Sau này, trong cuộc đời và trong cả phim của mình tôi luôn đi tìm câu trả lời tại sao người ta tốt và tại sao người ta xấu như Ngã rẽ và nguyên sêri phim Câu chuyện pháp đình vậy”.

Giữ cái thiện cho đời

Ngoài phim tài liệu, số phim truyện Tường Phương làm chung và riêng chỉ đếm được trên đầu ngón tay như Lời thề, Đất khách, Dưới cờ đại nghĩa (Người Bình Xuyên), Câu chuyện pháp đình 1, 2,  3. Bởi anh làm phim quá kỹ: Dưới cờ đại nghĩa mất sáu năm cho luôn cả những việc như đọc tài liệu, tìm hiểu lịch sử, phỏng vấn người thật; Ngã rẽ mất hơn một năm cho việc quay, chọn cảnh… Vậy nhưng phim nào của Tường Phương cũng để lại một dấu ấn nhất định. Đồng nghiệp, khán giả trọng anh vì anh làm phim tử tế, biết giữ nghề. Trong thời buổi bùng nổ phim truyền hình, nhiều hãng phim tư nhân mời mọc, Tường Phương vẫn lắc đầu bởi muốn giữ được cách làm phim cẩn thận, vị nghệ thuật, không vị thương mại của mình.

Đi dạy cũng thế, từ chối những lời mời dạy lương cao, anh chấp nhận mức lương thấp của Trường Sân khấu - điện ảnh với quan điểm việc học và làm điện ảnh phải luôn nghiêm túc, có trách nhiệm. Đây cũng là cách anh và những người bạn như đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Đào Bá Sơn… phản ứng với cách làm phim chụp giật hiện nay. “Chúng tôi nói với nhau không ngồi đó trách móc mà đi dạy để tạo ra thêm những người làm phim trẻ cùng quan điểm với mình”. Do thế, Tường Phương nổi tiếng là ông thầy nghiêm, khó. Ông thầy sẵn sàng đánh rớt những vị giám đốc, đạo diễn đi học để hợp thức hóa cái bằng chứ không phải học vì kiến thức.

Trong cái ác chắt lọc ra cái thiện! ảnh 2

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm