Đây là hướng dẫn của VKSND Tối cao trong việc xử lý vướng mắc với các hành vi sai phạm về pháo nổ, vừa ban hành.
Trước đó, một số VKSND địa phương nêu vướng mắc về việc tòa án cho rằng, khi điều tra truy tố các hành vi liên quan đến pháo cần đưa ra kết luận là pháo nổ đã thu giữ để việc xét xử có vật chứng là pháo nổ, được đảm bảo.
Vì thế VKSND Tối cao đã hướng dẫn. Cụ thể, căn cứ Điều 1và Phụ lục 4 Luật sửa đổi, bổ sung số 03/2016/QH14 ngày 22-11-2016 thì pháo nổ là mặt hàng cấm kinh doanh, còn việc kinh doanh các lọai pháo là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Hình minh họa
Khoản 3 Điểu 3 Nghị định 36/2009 ngày 15/4/2009 của Chính phủ (về quản lý, sử dụng pháo) đã giải thích rõ: “Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ”.
Ngoài pháo nổ thì Nghị định 36 này còn quy định các loại pháo khác gồm: Pháo hoa, pháo hoa đơn, pháo hoa kép. Pháo hoa: “là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.”
Về pháo hoa nổ, xét tính chất, mức độ nguy hiểm thì cũng tương tự như pháo nổ (vì cùng chứa thuốc pháo và cùng gây ra tiếng nổ). Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 36 thì đây là pháo hoa (không phải pháo nổ). Mặt khác theo quy định tại phụ lục 4 Luật Đầu tư đây là hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Thực tế hiện nay các cơ quan chức năng bắt giữ gồm nhiều loại pháo khác nhau: Pháo nổ, pháo hoa ( có tiếng nổ là do có chứa thuốc pháo, hoặc không có tiếng nổ).
Do vậy, theo VKSND Tối cao để có căn cứ xác định vật chứng thu giữ là “pháo nổ” để xử lý bằng biện pháp hình sự thì phải giám định. Theo quy định tại Điều 206 BLTTHS 2015 thì đối với vật liệu nổ thuộc trường hợp bắt buộc phải giám định.
Mặt khác, ngày 11-10 vừa qua, Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn về việc giám định đối với pháo nổ, pháo hoa.