Đền Quả Sơn nằm tại chân núi Quả, bên bờ sông Lam, thuộc địa phận làng Miếu Đường, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, cách TP Vinh hơn 70 km về phía tây bắc.
Đền Quả Sơn được xếp thứ hai trong bốn ngôi đền có tiếng linh thiêng nhất xứ Nghệ . Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Đền Quả Sơn được liệt vào hàng “quốc tế, quốc tạo”, đã được trùng tu nhiều lần vào thời Hậu Lê, Nguyễn.
Đến đầu thế kỷ 20, đền trở thành một quần thể có quy mô lớn, gồm bảy tòa, là một trong “tứ đại thắng tích” của xứ Nghệ. Trải qua chiến tranh, hầu hết các công trình kiến trúc gốc của đền đều bị phá hủy.
Khoảng những năm 90 của thế kỷ 20, đền được phục dựng gồm năm tòa Thượng, Trung, Hạ điện, Tả, Hữu vu như hiện nay.
Xung quanh đền là những hàng cây xanh rợp bóng mát.
Cùng với thờ Uy Minh Vương, đền Quả Sơn còn thờ Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là hai hoàng tử nhà Lý, là anh em của Lý Nhật Quang được nhà vua cử vào giúp Lý Nhật Quang trong thực hiện việc chính sự.
Hằng năm cứ đến ngày 19, 20 và 21 tháng Giêng, nhân dân vùng Bạch Ngọc (sáu xã) huyện Đô Lương lại nô nức tổ chức lễ rước Thánh từ đền Quả Sơn tới chùa Bà Bụt. Mặc dù thời gian này còn mưa rét nhưng hàng vạn người dân khắp nơi trong vùng, trong tỉnh và du khách thập phương vẫn đổ về đền Quả Sơn để cầu an, cầu lộc, cầu tài.
Tục lệ này không chỉ nhằm mục đích thỏa mãn tâm linh, cầu mong một năm mới phát tài phát lộc, sức khỏe dồi dào cho gia đình, dòng tộc mà còn là dịp để người dân du ngoạn, thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh ở chốn linh thiêng trong tiết trời mùa xuân.
Hiện nay, trên đất xứ Nghệ có khoảng 40 điểm lập đền thờ Lý Nhật Quang làm Thành hoàng.
Đền Quả Sơn được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1999.
Lý Nhật Quang là hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Năm 1039, Ngài được cử vào Nghệ An trông coi việc thuế, sau đó làm tri châu Nghệ An vào năm 1041, đóng lỵ sở ở Bạch Đường (nay thuộc 3 xã: Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn, huyện Đô Lương) và được phong tước Uy Minh Vương vào năm 1044. Trong thời gian trị nhậm ở đây, Ngài đã có nhiều cống hiến lớn lao về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng như: Lập nên trại Bà Hòa, cung cấp quân lương cho vua Thái Tông đi mở cõi phương Nam, làm đường, đào kênh, đắp đê, mở thêm 52 châu, 22 trại, 56 sách… giúp nhân dân đời sống ổn định, biên giới được giữ vững, các nước láng giềng kính phục. Lý Nhật Quang mất ngày 17 tháng 12 năm Đinh Dậu (1057), thi hài được an táng tại núi Quả. Triều đình thương tiếc, cho lập đền thờ Ngài ngay trên lỵ sở cũ, cạnh khu mộ. Ngoài ra ở xứ Nghệ còn có khoảng 40 đền thờ Ngài. |
Dưới đây là một số hình ảnh:
Lối vào cổng đền. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Xung quanh đền là những hàng cây xanh râm mát. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Hiện nay, trên đất xứ Nghệ có khoảng 40 điểm lập đền thờ Lý Nhật Quang làm Thành hoàng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Mỗi người chỉ thắp một cây hương. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Ngày thường cũng có đông người dân đến thắp hương cầu lễ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Một góc nhỏ an tĩnh trong đền. Ảnh: NGUYỄN TRÀ