NHỮNG THƯƠNG HIỆU VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG - BÀI 10

Vị Hương Tố - vua bột ngọt một thời

Sản phẩm nào cũng thành công khiến tài sản của ông đầu tư vào địa ốc, khách sạn cả trong nước lẫn nước ngoài nhiều không biết bao nhiêu mà kể.

Suốt một thời gian dài, lượng bột ngọt tiêu thụ ở miền Nam đến từ hai ông lớn sản xuất bột ngọt ngoại nhập Ajinomoto (Nhật) và Vedan (Đài Loan) tha hồ làm mưa làm gió, cho đến khi xuất hiện một nhãn hiệu nội dám đương đầu.

Người làm thuê thành ông chủ lớn

Trước Thế chiến thứ II, Trần Thành là một cậu thanh niên người Hoa nghèo khổ, di cư từ Triều Châu đến Sài Gòn với mong muốn gia đình tìm được nơi đất lành tránh nạn đói và các cuộc nội chiến triền miên. Do không được học hành đầy đủ, thiếu kiến thức và từng trải nghề nghiệp nên Trần Thành chỉ còn cách đi làm thuê, làm mướn. Được một cơ sở sản xuất dầu thực vật thuê vào làm việc cọ rửa các thùng dầu, dù lương thấp nhưng nhờ làm việc chăm chỉ, thật thà nên Trần Thành dần được chủ giao cho việc cai quản việc vệ sinh nhà xưởng, rồi từ đó tiếp tục được tin tưởng giao cho việc thu mua nguyên liệu.

Đây là công việc mà Trần Thành thực hiện xuất sắc nhất, anh luôn đạt số lượng thu mua vượt trội vì luôn đặt chữ tín lên đầu. Đó là đã đặt mua ngày nào là phải thu xếp đến mua ngày đó bất kể giá nào, không ép giá, hạn trả tiền luôn đúng, không thể sai. Khi đặt giá mà sau đó thị trường có sự biến động, bất kể giá lên, giá xuống Trần Thành đều thương lượng lại với nông dân để điều chỉnh giá sao cho cả nông dân lẫn ông chủ đều cùng có lợi hoặc cùng giảm thiệt hại. Tiền bạc, sổ sách luôn đầy đủ phân minh, không hề kê giá, ăn bớt tiền của chủ… Nhờ vậy nông dân chỉ thích bán nguyên liệu cho Trần Thành và ông chủ cũng yên tâm giao anh phụ trách việc thu mua và mở vùng nguyên liệu sang tận Campuchia.

Lông cánh mọc đủ, Trần Thành quyết định tách ra làm ăn riêng, chính ông chủ đã cho anh vay một số tiền lớn để khởi nghiệp thành nhà phân phối nguyên liệu. Sự nghiệp Trần Thành đi lên như diều gặp gió. Khi đã trở thành một trong những người giàu có nhất miền Nam, Trần Thành chia sẻ rằng bí quyết thành công của ông rất đơn giản: Đó là giữ chữ tín, trung thực và kiên trì, nguyên tắc không khó, chỉ khó là có thể luôn giữ được và làm được hay không thôi. Nếu không làm được ba điều này thì cả đời chỉ là người làm thuê chứ không bao giờ trở thành “tài xì thẩu” (ông chủ lớn).

Tòa nhà trên đường Hải Thượng Lãn Ông, trụ sở cũ của Vị Hương Tố.

Đá đổ “tô đỏ”

Khi bắt đầu trở thành ông chủ, Trần Thành lập tức lên đường sang các nước Nhật, Đài Loan, Singapore… để tìm hiểu về công nghệ mới, vì ông không muốn chỉ dừng chân ở vai trò một nhà phân phối nguyên liệu mà muốn lấn sân sang lĩnh vực thực phẩm, đặc biệt là mảng gia vị.

Sau những chuyến đi tìm hiểu đó, Trần Thành đã đi đến quyết định đầu tư một nhà máy sản xuất bột ngọt ở Sài Gòn. Đây là một quyết định hết sức táo bạo và mạo hiểm vì thị trường bột ngọt miền Nam đã bị hai ông lớn Nhật và Đài Loan thống trị. Chỉ riêng việc cạnh tranh với Ajinomoto đã là một chuyện điên rồ, giống như châu chấu đá xe bởi đây là một tượng đài lớn của bột ngọt thế giới. Đó là thương hiệu bột ngọt đầu tiên, nơi có truyền thống 50 năm kinh nghiệm, nhiều công nghệ, bí quyết sản phẩm, có mạng lưới tiêu thụ và được người tiêu dùng quen thuộc lâu nay.

Thế nhưng Trần Thành vẫn tin ông sẽ thành công vì các lẽ: Xét về mặt chất lượng, có thể bột ngọt ngoại sẽ hơn. Cho dù bột ngọt do Việt Nam làm ra chỉ có chất lượng bằng 80% cũng không đáng sợ vì bột ngọt là gia vị, việc kiểm chứng chất lượng không dễ. Người tiêu dùng rất khó cảm nhận và đánh giá sự chênh lệch này như những sản phẩm khác.

Bù lại, bột ngọt nội sẽ có ưu thế về giá thành, do sản xuất trong nước nên giá rẻ hơn. Ngoài ra, với chính sách bảo hộ hàng nội của chính quyền miền Nam lúc đó, bột ngọt ngoại sẽ bị hàng rào quan thuế đẩy giá lên, khó cạnh tranh về giá được.

Các nhà máy sợ nhất là nguồn nguyên liệu bất ổn hoặc bị đầu cơ, thao túng, trong khi Trần Thành cũng chính là nhà cung cấp nguyên liệu nên không lo gì chuyện này. Vừa thu mua cung cấp nguyên liệu vừa sản xuất, với cách kinh doanh “mua tận gốc, bán tận ngọn” như vậy lo gì giá thành không thấp.

Vì vậy Trần Thành quyết định “chiến” luôn. Năm 1960, ông nhập công nghệ sản xuất bột ngọt hiện đại của Nhật được đánh giá đứng đầu Đông Nam Á về, thành lập Công ty Thiên Hương và đặt tên cho sản phẩm bột ngọt của mình cái tên Vị Hương Tố. Đã “chiến” là “chiến” luôn với gã khổng lồ Ajinomoto trước hết, điều này thể hiện trước hết qua chính logo của sản phẩm. Chúng ta đều biết logo của Ajinomoto có hình chiếc tô đỏ, Vị Hương Tố cũng dùng logo tô đỏ nhưng là một cái tô đã mở nắp chứ không phải tô đóng kín như Ajinomoto. Phía trên cái tô mở nắp là ba sọc đỏ lớn chạy dọc, nhìn như khói thức ăn và hương thơm tỏa ra ngào ngạt rất sinh động. Ngay logo đã thể hiện quyết tâm vượt trội so với “tô đỏ”.

Để thương hiệu mới có thể thu hút người tiêu dùng, ngoài quảng cáo Vị Hương Tố tập trung vào khuyến mãi. Khi nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng, nhận thấy đồ dùng nhà bếp hay mua nhiều nhất là chén bát, do lúc ấy việc sử dụng đồ dùng ăn uống bằng nhựa và melamine chưa nhiều, còn chén bát bằng sành hay sứ dễ bị mẻ hoặc bể (thậm chí người miền Nam hay đùa là vợ chồng giận nhau thì kệ sóng chén… “ra đi” đầu tiên hết) nên Vị Hương Tố tung ra chiêu tặng tô, chén. Hễ mua bịch bột ngọt lớn tặng tô, bịch vừa tặng chén, gói nhỏ tặng muỗng… Bà con đi chợ thấy Vị Hương Tố vị cũng ngon, giá rẻ lại còn được tặng tô, chén nên mua ào ào. Vị Hương Tố được thế, tung tiếp tô chén theo bộ, thôi thì Phúc Lộc Thọ, Mai Lan Cúc Trúc, Xuân Hạ Thu Đông, Bát Tiên… khiến người tiêu dùng thích mua cho trọn bộ, có khi chưa hết bột ngọt cũng ráng mua thêm cho đủ, bột ngọt cứ bỏ tủ bếp để đó ăn dần, đâu có hư thiu đâu mà sợ.

Kết quả chỉ trong thời gian ngắn, Vị Hương Tố độc chiếm thị trường, nhà máy sản xuất hết công suất cũng không đủ hàng. Chỉ khi nào Vị Hương Tố hết hàng, người tiêu dùng không mua được thì mới mua Ajinomoto hay Vedan… Gã khổng lồ “tô đỏ” bị hạ knock-out chóng vánh, đành rời võ đài, nhường đai vô địch lại cho kẻ hậu sinh.

Khôi phục Thiên Hương

Sau ngày 30-4, Nhà máy Thiên Hương ngừng hoạt động vì một số kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao đã đi ra nước ngoài, nguồn men vi sinh sản xuất bột ngọt được gửi từ Hong Kong đã không còn được gửi nữa. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt sau đó đã yêu cầu bằng mọi giá phải khôi phục hoạt động của Nhà máy Thiên Hương. Ban Khoa học và Kỹ thuật TP (tập hợp nhiều trí thức chế độ cũ) đã lập hai nhóm để khôi phục. Nhóm thiết kế và cơ khí do ông Nguyễn Văn Sơn đứng đầu lo việc kiểm tra có nhiệm vụ kiểm soát lại máy móc, máy bơm, các ống dẫn và các bồn chứa cũng như rà soát quy trình sản xuất sẵn có. Còn nhóm chuyên viên vi sinh do bác sĩ Trần Văn Ái (nguyên Giám đốc Viện Pasteur) đứng đầu lo việc khôi phục lại men vi sinh.

Nguồn men vi sinh được gửi từ Hong Kong trước đây mỗi tuần hiện chỉ có hai chai gửi lần cuối từ ngày 23-4-1975 vẫn được bảo quản kỹ trong tủ đá dưới 0 độ C đã được nhóm vi sinh nỗ lực khôi phục lại được trong điều kiện khó khăn lúc đó. Do thời gian bị đông lạnh quá lâu khiến những mẻ đầu chỉ đạt được 30% so với men tươi nhưng các mẻ sau đã dần dần có chất lượng hơn và Nhà máy Thiên Hương đã hoạt động trở lại được.

Hai kẻ bại trận quay trở lại

Sau khi trở thành nhà máy quốc doanh, Thiên Hương còn làm thêm sản phẩm bột canh nhưng dần dần chỉ còn tập trung vào mì ăn liền vì sự thiếu đầu tư công nghệ mới đã khiến sản phẩm trở nên ì ạch, mất dần thị phần vào tay bột ngọt ngoại nhập và cuối cùng không còn sản xuất nữa, nhường thị trường bột ngọt cho hai kẻ bại binh cũ là Ajinomoto và Vedan phục hận, chiếm lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới