Vì sao nếu đấu tay đôi F-35B của Anh có thể ‘làm mồi’ cho F-35I của Israel ?

Cùng một loại máy bay nhưng biến thể khác nhau và hiệu suất vô cùng khác nhau, đó là cách người ta có thể mô tả tốt nhất về hai biến thể F-35A và F-35B, những máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm hiện đại của Mỹ.

Mặc dù có thiết kế cơ bản giống nhau nhưng việc bổ sung hoặc giảm bớt máy móc vì những vai trò và môi trường hoạt động khác nhau đã ảnh hưởng lớn đến hiệu suất khí động học của hai loại máy bay.

Tiêm kích F-35 của Mỹ. Ảnh: Thomas Insights 

Để hiểu rõ hơn về F-35 cũng như các biến thể và khả năng của chúng, trang tin The EurAsian Times đã hình dung ra cuộc “đấu tay đôi” giữa tiêm kích F-35I của Israel và F-35B của Hải quân Hoàng gia Anh. Điều thú vị là cả Israel và Anh đều là hai đồng minh thân cận của Mỹ.

F-35I – mẫu tiêm kích dành riêng cho Israel

Tiêm kích F-35I Adir của Israel là một phiên bản sửa đổi đáng kể của F-35A, với các tùy chỉnh phù hợp với nhu cầu chiến thuật và hoạt động của Israel. Đây là quốc gia đầu tiên sử dụng tiêm kích này để không kích Syria hồi tháng 5-2018. Khi đó, F-35I đã không kích các mục tiêu có liên hệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Iran tại Syria.

Theo chuyên san quân sự National Interest, Israel lần đầu đặt mua F-35 vào tháng 9-2008 với số lượng 25 chiếc, mỗi chiếc có giá 200 triệu USD. Một năm sau, giá được giảm đáng kể còn hơn 100 triệu USD mỗi chiếc. Đến tháng 10-2014, Israel đồng ý tăng gấp đôi đơn hàng F-35 lên 50 chiếc.

Tiêm kích F-35I của Israel. Ảnh: TWITTER (F-35I-Israel)

Khác với các quốc gia khác đặt mua F-35, Israel đưa ra yêu cầu được tích hợp nhiều công nghệ nội địa vào tiêm kích này và đặt tên là F-35I. Israel lập luận rằng nước này ở trong tình trạng xung đột quân sự gần như liên tục, đòi hỏi phi đội F-35 không chỉ có nhiều ưu điểm về công nghệ mà còn về khả năng hậu cần. Nhà sản xuất Lockheed Martin đã chấp thuận yêu cầu.

Một trong những công nghệ quan trọng trên F-35I là hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và tình báo (C4I) do Israel phát triển. Hệ thống độc lập lấy dữ liệu từ các cảm biến trên máy bay song không tương tác với hệ thống máy tính của F-35I. Từ đó, hệ thống C4I chuyển thông tin tới các khí tài quân sự khác của Israel, đặc biệt là các tiêm kích gần đó, thông qua các đường truyền dữ liệu nhằm giúp phát hiện, nhận dạng và tấn công các mục tiêu của quân đối địch.

F-35I cũng sẽ mang tên lửa do Israel tự thiết kế. Siêu tiêm kích có thể mang bom dẫn đường SPICE 1000 nội địa thay cho bom dẫn đường bằng GPS JDAM. SPICE 1000 là cụm thiết bị dẫn đường gắn ngoài bom, được trang bị cả hệ thống dẫn đường vệ tinh và đầu dò quang-điện tử, biến các quả bom thông thường Mk.83 thành bom dẫn đường.

Điều này cho phép SPICE 1000 không chỉ tấn công mục tiêu dựa vào tọa độ GPS mà còn cho phép phi công tự dẫn bom đến mục tiêu hoặc ra lệnh hủy nếu cần thiết. Bom SPICE 1000 có tầm ném 100 km, với độ lệch mục tiêu chỉ khoảng 3 m.

F-35I cũng sẽ mang tên lửa không đối không dùng đầu dò hồng ngoại Python-5 thay vì AIM-9X Sidewinder của Mỹ. Khả năng khóa sau phóng của tên lửa Python-5 giúp tên lửa có thể được phóng từ khoang vũ khí trong thân F-35I và tự khóa mục tiêu sau khi rời bệ phóng.

Không quân Israel còn yêu cầu Lockheed Martin bổ sung cho phiên bản F-35I khả năng mang hai thùng dầu phụ loại 1.600 lít giúp tăng 36% lượng dầu và tầm hoạt động của máy bay. Việc bổ sung thùng dầu phụ có thể làm ảnh hưởng tới khả năng tàng hình của F-35I trước radar. Tuy vậy, một nguồn tin quân đội Israel nói với tạp chí Aviation Week & Space rằng thùng dầu phụ gắn ngoài có thể được sử dụng trong giai đoạn đầu của một chiến dịch trên không, giai đoạn chưa cần yếu tố tàng hình. Thùng dầu phụ sẽ được loại bỏ sau khi F-35I bắt đầu tham chiến.

Tiêm kích F-35B của Hải quân Hoàng gia Anh kém nhanh nhẹn

Được thiết kế chủ yếu như một máy bay hoạt động trên tàu sân bay, F-35B là máy báy cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng thứ hai trên thế giới, sau cường kích AV-8B Harrier II của Mỹ.

Theo National Interest, so với phiên bản F-35A, F-35B ít cơ động, nhanh nhẹn và linh hoạt hơn do phiên bản B đã hy sinh tính năng này cho khả năng cất/hạ cánh thẳng đứng. 

Nhìn từ phía trước, F-35B có thân hình “béo hơn” do tích hợp quạt nâng. Do kích thước về mặt trước tăng lên, F-35B chịu nhiều lực cản, vì thế làm giảm tính cơ động và sự nhanh nhẹn của máy bay.

Tiêm kích F-35B của Hải quân Hoàng gia Anh cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: TWITTER

Cũng chính chịu nhiều lực cản, khả năng tăng tốc của phiên bản B chậm đi và khó đổi hướng hơn. Thực tế, F-35B mất thêm 18 giây nữa để tăng tốc từ Mach 0,8 (980 km/giờ) lên Mach 1,2 (1.470 km/giờ).

F-35B cũng chứa ít nhiên liệu bên trong máy bay hơn do có thêm nhiều máy móc chiếm phần thể tích trong thân hơn. Điều này giới hạn phạm vi chiến đấu hiệu quả của máy bay.

The EurAsian Times nhận xét mặc dù vượt trội hơn AV-8B Harrier II về động cơ, radar, tốc độ và hệ thống điện tử hàng không song F-35B vẫn thua kém về hiệu suất động học tổng thể so với phiên bản A và C.

Hình dung một cuộc cận chiến giữa F-35I và F-35B

Nếu F-35I của Israel và F-35B của Anh cận chiến, chiếc F-35I có khả năng chiếm ưu thế do có hiệu suất khí động học tốt hơn, theo The EurAsian Times.

Mặc dù cả hai có cùng thiết bị điện tử, điện tử hàng không, radar và bộ cảm biến, màn hình hiển thị gắn trên mũ bảo hiểm (HMD) để giảm mệt mỏi khi bay và một hệ thống dò tìm điện quang, nhưng khả năng cơ động mới là yếu tố quyết định kết quả của một trận cận chiến.

Điều này tất nhiên là đang giả định ba điều. Thứ nhất, hai máy bay trên vẫn không thể phát hiện ra nhau do tính năng tàng hình của chúng. Thứ hai, không có máy bay nào trong hai loại kia có thể gây nhiễu máy bay còn lại do cả hai có tính tương đồng về bộ tác chiến điện tử. Ở điểm này, Israel có khả năng chiếm ưu thế vì họ được cho sẽ lắp đặt các hệ thống hiện đại của riêng họ.

Và thứ ba, một cuộc chiến giữa F-35I và F-35B chỉ có thể xảy ra nếu Israel và Anh gây chiến. Tuy nhiên, trường hợp như vậy hiện không thể tưởng tượng được trong bối cảnh địa chính trị hiện nay và sẽ cần một sự tổ chức lại hoàn toàn các liên minh toàn cầu cơ bản, nơi thế giới phương Tây và đồng minh quay lưng lại với nhau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm