Nhật là một trong những khách hàng lớn nhất mua máy bay chiến đấu tàng hình đa năng F-35 Lightning II của Mỹ. Tuy nhiên, mẫu tiêm kích hiện đại nhất thế giới này vẫn có một thiếu sót lớn, khiến Nhật phải xúc tiến chương trình máy bay chiến đấu thế hệ mới F-3 hay còn gọi F-X, trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Ý tưởng thiết kế tiêm kích thế hệ kế tiếp F-X của Nhật. Ảnh: Japanese Ministry of Defense/Asia Times
Theo trang tin The EurAsian Times, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã tích cực bảo vệ vùng nhận dạng phòng không của nước này, chặn máy bay Trung Quốc vi phạm không phận trong thời gian gần đây.
Tháng 7 năm ngoái, Mỹ đã thông qua thỏa thuận bán 105 tiêm kích F-35 cho Nhật, bao gồm biến thể F-35A và F-35B. Thỏa thuận trị giá 23 tỉ USD này sẽ khiến Nhật trở thành khách hàng nước ngoài lớn nhất của F-35 và là nước vận hành F-35 lớn thứ hai với 147 chiếc, sau Mỹ.
Chương trình F-35 là hệ thống vũ khí đắt đỏ nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Tuy nhiên, Nhật lo ngại về một số hạn chế của F-35 về khả năng mang vũ khí của nó.
Nhật coi F-35B là một thành phần quan trọng của chiến lược quốc phòng nước này đối với các hòn đảo cô lập, bao gồm căn cứ Nyutabaru của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật trên bờ biển phía đông của đảo Kyushu, nhờ khả năng cất/hạ cánh theo phương thẳng đứng.
Tàu khu trục trực thăng lớp Izumo của Nhật đã được triển khai từ nhiều căn cứ khác nhau cũng đã được sửa đổi để tạo điều kiện cho việc sử dụng F-35B.
Hạn chế của F-35
Tuy nhiên, Nhật đã nêu ra những lo ngại về hạn chế mang theo vũ khí của F-35. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kono tiết lộ máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp của nước này phải mang nhiều tên lửa không đối không hơn những gì tiêm kích F-35 có thể làm được.
“Chúng tôi sẽ nhấn mạnh vào chức năng mạng và yêu cầu hiệu suất tàng hình cao. Máy bay này sẽ mang nhiều tên lửa hơn F-35” – ông Kono nói.
Tiêm kích F-35 thả tên lửa không đối đất. Ảnh: The EurAsian Times
Theo chuyên san quân sựNational Interest, F-35 chỉ có thể chứa bốn tên lửa trong khoang vũ khí bên trong vì vũ khí trang bị bên ngoài là một yếu tố tăng cường chính tín hiệu radar của máy bay.
Chính phủ Nhật muốn phát triển khả năng bản địa và với mục tiêu đó, Nhật có ý định tạo ra một máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại bằng cách sáp nhập năng lực của tiêm kích F-22 và F-35.
Kế hoạch bao gồm kết hợp khung máy bay của F-22 với các cảm biến và thiết bị điện tử của F-35. Mỹ được cho là đã đề nghị hỗ trợ chương trình này.
Tạp chí Yomiuri Shimbun của Nhật khẳng định rằng Washington cũng sẵn sàng tiết lộ những đặc điểm bí mật bao gồm mã nguồn để khuyến khích sự hợp tác về chương trình F-3 của Nhật.
Chương trình F-3
Chương trình thế hệ kế tiếp F-3 hay còn gọi F-X, là máy bay hai động cơ, có khả năng lắp sáu vũ khí bên trong. F-3 sẽ bổ trợ cho F-35, theo trang tin The EurAsian Times.
F-3 nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Nhật với Nga và Trung Quốc, những nước đã phát triển và triển khai tiêm kích hiện đại trong khu vực. F-3 cũng được kỳ vọng thay thế các tiêm kích F-2 và F-15J cũ kỹ.
Ngày 30-10-2020, Nhật thông báo chương trình thế hệ thứ sáu F-X là một trong những lĩnh vực được ưu tiên cao cần được quan tâm ngay.
Nguồn tin cho biết tiêm kích tàng hình F-X của Nhật trông sẽ tương tự nhưng có thể lớn hơn tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: USAF/Asia Times
Tháng 12-2020, báo Nikkei Asia công bố chi tiết về chương trình đầy tham vọng trị giá 48 tỉ USD để phát triển tiêm kích tàng hình F-X, để tiếp tục cuộc đua với Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Theo kế hoạch, Nhật sẽ chế tạo nguyên mẫu đầu tiên của máy bay F-X vào năm 2024, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2028. Việc sản xuất hàng loạt tiêm kích F-X sẽ bắt đầu vào năm 2031 và triển khai vào năm 2035. F-X sẽ được trang bị radar hiện đại và sẽ có khả năng điều khiển máy bay không người lái từ xa và khả năng tác chiến điện từ. F-X sẽ được trang bị tấm chắn nhiệt và tên lửa không đối không.
Một trong những lý do đằng sau chương trình F-X hay F-3 là nhu cầu về một loại máy bay có thể mang nhiều vũ khí hơn so với F-35 có thể làm vì Nga và Trung Quốc đã đi trước trong khía cạnh này.
Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga và J-20 của Trung Quốc có thể mang sáu tên lửa trong khoang vũ khí bên trong. Tương tự, tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ - một sản phẩm khác của tập đoàn Lockheed Martin, có thể mang tám tên lửa.
Theo National Interest, Lockheed Martin đã đề xuất cùng phát triển với ngành công nghiệp Nhật về một thiết kế F-3.