6 tiêm kích có thể đẩy lùi cuộc tấn công từ F-22 và F-35 Mỹ, Nga đã có tới 3

Các tiêm kích F-35 Lightning II và F-22 Raptor của Mỹ là hai trong số những máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hiện đại nhất. Bộ đôi máy bay tàng hình do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển được trang bị vũ khí không đối không, thiết bị điện tử hàng không và cảm biến tân tiến, đã đặt ra thách thức cho các đối thủ Nga và Trung Quốc.

Trang tin The EurAsian Times điểm danh sáu tiêm kích hiện đại có thể chống lại F-35 hay F-22 của Mỹ.

Tiêm kích J-20 của Trung Quốc

J-20 là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm đa nhiệm, một chỗ ngồi, do Tổng công ty hàng không vũ trụ Thành Đô của Trung Quốc chế tạo. Việc nghiên cứu và phát triển J-20 bắt đầu vào những năm 1990 để đáp ứng các yêu cầu của không quân Trung Quốc. J-20 từ đó có biệt danh là “rồng dũng mãnh” ở Trung Quốc, trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt tên mã là “đại bàng đen”.

Tiêm kích J-20 của Trung Quốc. Ảnh: The EurAsian Times

J-20 được cho có khả năng đạt độ cao lớn và tốc độ siêu vượt âm, đồng thời sở hữu một số tính năng hàng đầu.

Mẫu tiêm kích tàng hình này của Trung Quốc có dạng buồng lái kính với mái che hình vòm bong bóng. Toàn bộ hệ thống hiển thị sử dụng màn hình LCD và HUD.

J-20 được trang bị một khẩu pháo bên trong để tác chiến tầm gần. J-20 có khoang vũ khí rộng dưới bụng máy bay để tích hợp các tên lửa không đối không tầm xa PL-12C/D và PL-21.

J-20 còn được trang bị hai khoang vũ khí nhỏ bên dưới cửa hút gió để tích hợp tên lửa không đối không PL-10. Ngoài ra, J-20 có thể mang tên lửa không đối đất, tên lửa chống bức xạ, bom dẫn đường bằng laser và ném bom. Theo một số thông tin, cấu hình khoang vũ khí của J-20 tương tự của F-22.

J-20 có trọng lượng cất cánh tối đa là 34 tấn - 37 tấn và sở hữu bộ thông tin liên lạc hiện đại cho phép máy bay liên kết dữ liệu với các nền tảng thân thiện đang biên chế và những nền tảng đang được phát triển.

J-20 có thể được nâng cấp với động cơ nội địa WS-15, có khả năng cho phép máy bay bay với tốc độ siêu thanh.

Động cơ WS-15 có thể sánh ngang với động cơ Pratt & Whitney F119 mà F-22 sử dụng. Những thông tin liên quan tới J-20 tiếp tục được giữ bí mật. Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng J-20 đã tạo ra một cú đấm mạnh mẽ, có thể thách thức tiêm kích F-35 của Mỹ.

Su-57, Su-35, Au-30MKI của Nga

Tiêm kích Sukhoi Su-57 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đa năng có khả năng tàng hình, được phát triển cho không quân Nga. Cục thiết kế Sukhoi ca ngợi Su-57 là đối thủ cạnh tranh của F-22 của Mỹ, thậm chí tuyên bố mẫu máy bay này có lợi thế hơn tiêm kích Mỹ về khả năng cận chiến.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đã chỉ trích Su-57. Chẳng hạn, theo quan sát của các chuyên gia hàng không Ấn Độ, Su-57 thiếu sức mạnh. Điều này cùng với một loạt sai sót được nhận thấy khác khiến New Delhi phải hủy bỏ một thỏa thuận tiềm năng cho không quân Ấn Độ.

Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga. Ảnh: The EurAsian Times

Một số nhà phân tích thậm chí đã đặt ra nghi ngờ liệu Su-57 có thể được gọi là tiêm kích tàng hình hay không.

Thêm vào đó, các lệnh trừng phạt cùng giá dầu giảm tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế của Nga. Tất cả điều này đặt dấu chấm hỏi về tương lai của Su-57.

Ngoài Su-57, máy bay đa nhiệm Su-35 do Cục thiết kế Sukhoi phát triển, thường được coi là máy bay chiến đấu mạnh nhất trong kho vũ khí của Nga, thậm chí còn làm lu mờ Su-57.

Su-35 là máy bay một chỗ ngồi, sở hữu khả năng cơ động cao. Tiêm kích Su-35BM được trang bị một loạt vũ khí mạnh mẽ. Su-35 dài 21,9 m, có sải cánh 15,3 m, cao 5,9 m, có khả năng mang tải trọng vũ khí tối đa 8 tấn.

Tốc độ tối đa của Su-35 là 2.390 km/giờ. Su-35 có tầm hoạt động khoảng 3.600 km, trần bay 18 km. Su-35 nặng khoảng 18,4 tấn và tải trọng cất cánh tối đa là 34,5 tấn.

Su-35BM được đưa vào sản xuất hàng loạt với tên gọi Su-35S dành cho không quân Nga năm 2010.

Cuối cùng, tiêm kích Sukhoi Su-30MKI (phiên bản phát triển cho Ấn Độ) là máy bay chiến đấu đa nhiệm, do Cục thiết kế Sukhoi của Nga và công ty hàng không và quốc phòng Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ đồng phát triển.

Su-30MKI là máy bay hai chỗ ngồi, dài 21,9 m, có sải cánh 14,7 m, cao 6,4 m, lấy cảm hứng từ máy bay chiến đấu Su-30, được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy. Máy bay này có khung khí động học làm bằng titan và hợp kim nhôm cường độ cao.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được thử nghiệm từ tiêm kích Su-30MKI hồi tháng 10-2020. Ảnh: The EurAsian Times

Buồng lái kính của máy bay được trang bị thiết bị hệ thống điện tử hàng không hàng đầu. Su-30MKI được trang bị hệ thống điều khiển điện tử FBW (Fly-By-Wire) và một màn hình hiển thị đơn sắc cỡ lớn được lắp đặt ở buồng lái sau, cung cấp hướng dẫn cho tên lửa không đối đất.

Su-30MKI được trang bị radar quét mảng pha điện tử thụ động N011M, hệ thống dò tìm quang học laser OLS-30. Tuy nhiên, theo một số báo cáo, N011M sẽ được thay bằng radar quét mảng pha điện tử chủ động mới Zhuk.

Vũ khí của Su-30MKI là pháo Gsh-30-1 cỡ nòng 30mm với 150 viên đạn. Su-30MKI có thể phóng một loạt tên lửa không đốt đất, bao gồm Kh-29L/T/TYe, Kh-31A/P, Kh-59M và Nirbhay.

Nhiều chuyên gia tin rằng máy bay mạnh nhất của Nga có thể thách thức sức mạnh của máy bay Mỹ là Su-35. Su-35 có thể sánh ngang với F-22 Raptor trong cận chiến và lất át hoàn toàn F-35 trong chiến đấu trong tầm nhìn.

Dassault Rafale 

Do hãng chế tạo máy bay quân sự Dassault Aviation của Pháp phát triển, tiêm kích Rafale là máy bay chiến đấu có hai động cơ phản lực, có khả năng tiến hành một loạt sứ mệnh tầm ngắn và tầm xa, tấn công trên mặt đất và trên biển bao gồm cả răn đe hạt nhân.

Việc chế tạo Rafale bắt đầu vào tháng 7-1986 và máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên trong cùng tháng. Rafale có chiều dài tổng thể 10,3 m, được thiết kế cho không quân và hải quân Pháp. Máy bay này đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, Ai Cập và Qatar.

Tiêm kích Rafale có ba biến thể chính là Rafale B (hai chỗ ngồi), Rafale C (một chỗ ngồi) được biên chế trong không quân Pháp hồi tháng 6-2006. Biến thể thứ ba Rafale M (một chỗ ngồi) hoạt động trên tàu sân bay.

Tiêm kích Rafale. Ảnh: @DefenceMinIndia Twitter

Theo hãng Dassault Aviation, tất cả ba biến thể trên đều đảm bảo tính tương đồng về khung máy bay và thiết bị, cùng với khả năng hoạt động tương tự.

Rafale thường mang theo một số hệ thống vũ khí hiện đại nhất và bom thông minh như tên lửa không đối không MICA, METEOR, vũ khí mô-đun không đối đất HAMMER, tên lửa không đối đất SCALP, AM39 EXOCET, bom dẫn đường bằng laser với nhiều loại đầu đạn khác nhau,…

Bên cạnh đó, cảm biến nhiệt hạch của Rafale được nhà sản xuất ca ngợi là một điểm cộng lớn. Tiêm kích Pháp đã được “thử lửa” tại Afghanistan, Mali, Libya, Syria và Iraq.

Các chuyên gia nhận định Rafale mà một máy bay chiến đấu uy lực có thể sánh ngang F-35 của Mỹ. Trong chiến đấu một chọi một, F-35 có thể sớm phát hiện ra Rafale tạo ra lợi thế cho chúng. Tuy nhiên, nếu Rafale có thể né được cuộc tấn công ban đầu thì tiêm kích hai động cơ này có thể lật ngược tình thế có lợi cho nó và làm giảm danh tiếng của Mỹ.

Eurofighter Typhoon 

Tiêm kích Eurofighter Typhoon do bốn nước châu Âu Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ý hợp tác sản xuất.

Eurofighter Typhoon có sải cánh 10,9 m, chiều dài tổng thể 15,9 m, cao 5,2 m, có thể bay tới tầm bay hiệu quả là 2.900 km. Máy bay có thể được trang bị vô số loại vũ khí thông minh tùy thuộc vào loại vai trò tác chiến mà nó đảm nhận.

Tiêm kích Eurofighter Typhoon bay thử nghiệm. Ảnh: Jamie Hunter/Royal Air Force

Vũ khí của Typhoon thường là tên lửa tầm ngắn IRIS-T, tên lửa không đối không tầm trung AIM-120, tên lửa không đối không có điều khiển ngoài tầm nhìn Meteor.

Tính đến năm 2019, hơn 600 chiếc Typhoon đã được bán cho Anh, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Áo, Oman và Saudi Arabia. Đức đã đặt hàng 38 chiếc Eurofighter Typhoon hồi tháng 11-2020.

Theo các chuyên gia, tiêm kích Typhoon tương tự tiêm kích Rafale của Pháp về khả năng chiến đấu. Tiêm kích tàng hình F-35 có thể nhìn thấy Typhoon trước, song nếu Typhoon có thể tránh được những tên lửa ngoài tầm nhìn ban đầu thì tiêm kích của châu Âu có thể áp đảo tiêm kích Mỹ trong trận chiến một chọi một.

'Tia chớp' F-35 có đấu lại 'Chim ăn thịt' F-22?
'Tia chớp' F-35 có đấu lại 'Chim ăn thịt' F-22?
(PLO)- F-35 được chế tạo để tiến hành nhiệm vụ không đối đất còn F-22 là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không. Do đó, F-35 không có khả năng “đấu” F-22 Raptor khi nói về không chiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm