Truyền thông Trung Quốc (TQ) và quốc tế thời gian qua xôn xao trước thông tin ông Quách Quảng Xương - Chủ tịch Fosun International và là người giàu thứ 17 TQ đã biến mất bí ẩn từ ngày 10-12 và mãi đến tối 14-12 mới “tái xuất” tại một sự kiện của công ty ở TP Thượng Hải. Tỉ phú với tổng tài sản hơn 7 tỉ USD là người mới nhất trong số nhiều tỉ phú, doanh nhân và lãnh đạo các công ty tại TQ “biến mất” liên quan đến điều tra tham nhũng.
Vì sao mất tích bí ẩn?
Một người phát ngôn của Fosun đã thông báo rằng ông Quách “đi vắng” để hỗ trợ một số điều tra của cơ quan tư pháp TQ. Tờ Caijing cho biết ông Quách đã “trở về nhà an toàn” sau khi kết thúc hỗ trợ điều tra. Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về nguyên nhân đợt “biến mất” của nhà tỉ phú.
Tờ The Telegraph dẫn lại thông tin từ các trang mạng TQ cho biết ông Quách có thể đã được giữ để phục vụ điều tra án tham nhũng của ông Ngãi Bảo Tuấn - Phó Thị trưởng Thượng Hải và là giám đốc Khu vực tự do thương mại Thượng Hải. Người vợ quá cố của ông Ngãi bị cáo buộc có liên quan đến lũng đoạn thị trường chứng khoán. Trong khi Chủ tịch Tập đoàn thực phẩm quốc doanh Bright Food Vương Tông Nam - đồng minh thân cận vừa bị bắt của ông Ngãi cũng có mối quan hệ mật thiết với tỉ phú họ Quách.
Hiện tượng các lãnh đạo doanh nghiệp biến mất tại TQ, theo kênh truyền hình CNN, không còn là điều lạ lẫm trong thời gian gần đây. Công ty môi giới chứng khoán CITIC Securities cho biết họ cũng không thể liên lạc được với hai lãnh đạo cấp cao của họ. Trong khi đó, theo South China Morning Post, sáu trong tám lãnh đạo cấp cao của công ty này đã bị tạm giữ để thẩm vấn vì nghi ngờ có hành vi sai trái. Giám đốc điều hành của công ty chứng khoán Goutai Securities cũng đã biến mất không rõ lý do vào tháng 11-2015 và vị trí của ông cũng đã được chỉ định thay thế.
Theo hãng tin Bloomberg, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập thời gian gần đây đang tập trung chú ý vào ngành tài chính và các công ty có liên quan, đặc biệt sau khoảng thời gian thị trường chứng khoán nước này tuột dốc không phanh gây thiệt hại gần 5.000 tỉ USD. Các lãnh đạo cấp cao của nhiều công ty môi giới chứng khoán hàng đầu TQ đã bị điều tra với cáo buộc trao đổi thông tin nội gián và chi phối thị trường. Các cơ quan chức năng nghi ngờ nhiều công ty đã có thủ thuật gây trầm trọng thêm đợt bán tháo tháng 6 vừa rồi. Ông Trang Đức Thủy - ĐH Bắc Kinh cho biết khu vực tài chính vốn là “thành trì của nhiều nhóm lợi ích” mà giới lãnh đạo đang quyết tâm vạch trần và tiêu diệt.
Quách Quảng Xương - người giàu thứ 17 TQ đã mất tích bí ẩn trong bốn ngày với lý do hỗ trợ điều tra tham nhũng. Ảnh: REUTERS
“Huyền thoại” trong lĩnh vực chứng khoán TQ - ông Từ Tường cũng bị bắt giữ tháng 11-2015 vì trao đổi thông tin nội gián. Ảnh: SCMP
Nhiều tỉ phú Trung Quốc thê thảm
Kể từ khi chính thức lên nắm cương vị chủ tịch nước TQ ba năm trước, ông Tập Cận Bình đã đặt vấn đề chống tham nhũng làm ưu tiên hàng đầu của ông. Với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, ông Tập cùng đồng minh chính trị đắc lực Vương Kỳ Sơn - Trưởng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã hạ bệ hơn 100 quan chức cấp bộ liên quan đến tham nhũng. Cùng với đó là rất nhiều doanh nhân có mối liên hệ với những tham quan này.
Người đàn ông giàu nhất, nhì TQ một thời Hoàng Quang Ngọc cũng đang phải thụ mức án 14 năm tù sau khi bị kết án hối lộ và trao đổi thông tin nội gián vào năm 2010. Ông Hoàng cũng đã từng mất tích bí ẩn trong năm 2008 để tiến hành điều tra. Tháng trước, huyền thoại chứng khoán Hong Kong là Từ Tường - người được mệnh danh là George Soros của TQ cũng đã bị cảnh sát TQ bắt giữ vì cáo buộc trao đổi thông tin nội gián.
Cũng có những doanh nhân TQ được mời “đi nghỉ mát” một thời gian nhưng rồi cũng được thả tự do mà không bị cáo buộc. Cựu chủ tịch của công ty chứng khoán Founder Securities - ông Lôi Kiệt đã được cảnh sát thả tự do sau khi “biến mất” vào tháng 1-2015. Quyết định thả tự do được đưa ra sau khi doanh nhân này hỗ trợ một cuộc điều tra của chính phủ, tờ Bloomberg cho biết. Theo nguồn tin của Bloomberg vào tháng 8-2015, nữ chủ tịch Quỹ đầu cơ Man Group tại TQ - bà Lý Diệc Phi cũng từng bị cảnh sát bắt giữ để hỗ trợ điều tra các hành vi lũng đoạn thị trường. Tuy nhiên, nữ tỉ phú này sau đó phủ nhận thông tin này và nói rằng bà vắng mặt một thời gian là do họp hành nhiều và đi du lịch.
Không được may mắn như những trường hợp trên, nhiều doanh nhân và tỉ phú TQ đã phải “bỏ mạng” trong cuộc chiến tham nhũng. Hồi đầu tháng 12, Từ Minh - ông trùm một thời tại TP Đại Liên, có dính líu đến tham quan Bạc Hy Lai, đã được thông báo chết trong tù vì nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, điều khó hiểu là chỉ mới hai tháng trước khi bị bắt giữ, ông Từ vẫn được báo cáo là có “tình trạng sức khỏe và tinh thần rất tốt”.
Hồi đầu năm 2015, cũng có một loạt vụ tự sát của doanh nhân TQ có liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng. Chỉ trong vài ngày, truyền thông nước này ghi nhận đến bốn lãnh đạo doanh nghiệp nhảy lầu tự tử. Tháng 2-2015 vừa qua, nhà tỉ phú Lưu Hán, Chủ tịch Tập đoàn Hán Long ở tỉnh Tứ Xuyên, người từng làm ăn với con trai “trùm tham nhũng” Chu Vĩnh Khang là Chu Bân, đã bị tử hình. Ông bị cáo buộc tội giết người và điều hành một băng nhóm xã hội đen.
Khó giàu mà không “nhúng chàm”
Nhiều người dự đoán rằng giới doanh nhân đã thành danh tại TQ nhìn chung sẽ khó sống yên trước chiến dịch của ông Tập. Trả lời tờ South China Morning Post, ông Hồ Tinh Đẩu, giảng viên kinh tế tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh, nhận định: “Gốc rễ của vấn đề là mối quan hệ phức tạp tại TQ giữa giới doanh nhân và chính quyền. Kinh doanh phải nương theo quyền lực chính trị để phát triển. Và một khi có sự thay đổi về quyền lực chính trị, giới kinh doanh sẽ phải chịu trận”.
Trong những đại án tham nhũng thời gian vừa qua như vụ Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, tướng Từ Tài Hậu hay Lệnh Kế Hoạch, vụ án nào cũng bắt giữ hàng loạt doanh nhân tại địa phương hay ban ngành mà các đại tham quan này từng giữ cương vị lãnh đạo. Ông Hồ Tinh Đẩu cho biết do chính phủ TQ nắm quyền kiểm soát nhiều nguồn lực cốt lõi cho kinh doanh như dòng vốn và đất đai, những doanh nhân TQ khó lòng thành công được nếu không dính líu đến chính trị.
Sau cái chết của ông Từ Minh, Phùng Luân - Chủ tịch Công ty bất động sản tư nhân Trung Quốc Vantone Holdings từng bình luận: “Một ông trùm kinh doanh tư nhân từng nói chúng ta trong con mắt của một quan chức chính phủ chẳng khác gì một con gián. Nếu ông ấy muốn ta chết thì ta phải chết. Nếu ông ấy muốn giữ cho ta sống thì ta sẽ được sống”.
Một chuyên gia khác tại Bắc Kinh nhận định: “Việc trừng phạt các doanh nhân là có phần bất công. Thật ra họ cũng chẳng có quyền lựa chọn nào khác. Bất kỳ giấy phép kinh doanh nào mà họ cần có cũng buộc phải kèm theo một khoản tiền lót tay nhất định để công việc được trôi chảy”.
Thẩm vấn mật: Công cụ đánh tham nhũng “Mất liên lạc” đã trở thành một khái niệm phổ biến tại TQ để mô tả tình trạng của các quan chức hay lãnh đạo doanh nghiệp khi được cơ quan điều tra tham nhũng bắt giữ hay thẩm vấn tại một địa điểm bí mật và không rõ sẽ kéo dài trong bao lâu. Hãng tin Bloomberg dẫn lời một chuyên gia tại Học viện Hành chính TQ cho biết: “Sẽ mất một thời gian thì các điều tra viên mới có thể thông tin cho doanh nghiệp hoặc thân nhân của đối tượng bị tạm giữ. Khoảng thời gian mất liên lạc này là để tránh những công ty hay thân nhân tiêu hủy các chứng cứ hoặc tẩu tán tài sản bất hợp pháp”. Phương pháp này tỏ rõ hiệu quả khi đã có hàng loạt vụ án tham nhũng từ “tôm tép” đến đại án được giải quyết. Tuy nhiên, cách thức điều tra này hiện đang vấp phải nhiều chỉ trích, đặc biệt là các cơ quan điều tra tham nhũng cấp địa phương thường xuyên sử dụng các biện pháp tra tấn hay ép cung để đạt kết quả. Năm 2013, TQ đã phải xử tù năm điều tra viên và một công tố viên tỉnh Chiết Giang liên quan đến cái chết của một lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình thẩm vấn. |