Một tàu chở hàng đã bị loại biên của Hải quân Mỹ trở thành mục tiêu của các tên lửa diệt hạm trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) ở bang Hawaii (Mỹ), hãng tin Sputnik cho hay.
Ngày 30-8, trong một "bài tập đánh chìm" trong khuôn khổ RIMPAC 2020, tàu chở hàng đổ bộ đã bị loại biên USS-Durham đã bị nổ tung sau khi hứng chịu bốn quả tên lửa diệt hạm RGM-84 từ tàu khu trục lớp Halifax mang tên HMCS Regina của Hải quân Hoàng gia Canada.
Sputnik cho biết một tên lửa có vẻ đã bắn trượt và chỉ tác động đến vùng nước xung quanh USS-Durham. Ba tên lửa tiếp theo đã tác động vào mạn trái con tàu ở gần như cùng một góc độ.
Hạm đội 3 của Mỹ cho biết các máy bay cũng tham gia hoạt động thử nghiệm này.
Trang tin The Drive cho biết dường như cùng lúc thử tên lửa diệt hạm, một tên lửa đối không cũng được bắn đi. Mảnh vỡ đạn từ vụ nổ trên không đã rơi xuống tàu USS-Durham và vùng nước xung quanh trước khi quả tên lửa RGM-84 bắn trúng con tàu.
Đại úy Phillipa Hay thuộc Hải quân Hoàng gia Úc, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm số 1 tại RIMPAC 2020, nói rằng "mô phong là một phần quan trọng trong quá trình huấn luyện nhưng không có gì tốt hơn việc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật".
"Các bài tập đánh chìm là một cách quan trọng để chúng tôi thử nghiệm vũ khí và hệ thống vũ khí trong điều kiện chân thực nhất có thể", ông Hay nhấn mạnh.
Trung úy Mike Vanderveer, sĩ quan vũ khí trên tàu HMCS Regina cho rằng bắn tên lửa RGM-84 là một kỹ năng không dễ và lại khó duy trì nếu không luyện tập thường xuyên. Do đó, các cuộc tập trận như thế này giúp tăng cường "kỹ năng, trình độ và năng lực tổng thể" của các binh sĩ Canada nói chung.
RGM-84 là biến thể chống tàu mặt nước của dòng tên lửa Harpoon. Các nguyên mẫu đầu tiên đã được giới thiệu từ năm 1977. Mỹ và các đối tác đang tích cực nâng cấp loại tên lửa này để cạnh tranh với các tên lửa tầm xa của Trung Quốc.
RIMPAC là hoạt động tập trận hải quân lớn nhất thế giới, diễn ra ở hai năm một lần tại vùng biển ngoài khơi Hawaii. So với các năm trước, RIMPAC 2020 đã giảm về quy mô khi chỉ có 22 tàu mặt nước, một tàu ngầm và khoảng 5.300 quân nhân đến từ 10 quốc gia tham gia.
Các "bài tập đánh chìm" tàu mặt nước thường được Mỹ tổ chức để thử nghiệm tên lửa. Không chỉ các tàu hàng cũ, đôi khi các tàu đổ bộ tấn công với chi phí sản xuất lớn (đã bị loại biên) cũng trở thành mục tiêu bị "đánh chìm".
Mục tiêu giá trị nhất mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong các bài huấn luyện như vậy là tàu tấn công đổ bộ USS-Guam (lớp Iwo Jima), được dùng trong một hoạt động năm 2001.