Đài Loan đã bị loại khỏi cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ dẫn đầu. Giới phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang thận trọng nhằm tránh vượt lằn ranh đỏ của Trung Quốc, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Cuộc tập trận RIMPAC là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức hai năm một lần, được khai mạc hôm 17-8 tại TP Honolulu (bang Hawaii, Mỹ). Cuộc tập trận diễn ra trong hai tuần.
Lính thủy đánh bộ của Mỹ tham gia tập trận RIMPAC năm 2018 tại Hawaii. Ảnh: MARCUS FICHTL/STARS AND STRIPES
Do hải quân Mỹ dẫn đầu, cuộc tập trận năm nay tập hợp các lực lượng hải quân chủ yếu đến từ Vành đai Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Canada, Úc, Nhật Bản, Philippines, Singapore, New Zealand, Brunei và Pháp nhẳm thúc đẩy sự ổn định và hợp tác trong khu vực.
Hơn một nửa trong số 25 quốc gia từng tham gia cuộc tập trận RIMPAC lần trước không tham gia cuộc tập trận năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Đài Loan muốn tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới
Đài Loan mong muốn tham gia cuộc tập trận RIMPAC, hy vọng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ sẽ giúp hòn đảo nhận được lời mời tham gia với tư cách là quan sát viên. Tuy nhiên, điều này không diễn ra.
Người phát ngôn cơ quan phòng vệ Đài Loan Shih Shun-wen hôm 17-8 xác nhận lực lượng này không nhận được lời mời tham gia cuộc tập trận RIMPAC năm 2020.
Dẫu vậy, ông Shih nhấn mạnh rằng sự phối hợp giữa Đài Loan và Mỹ sẽ có lợi cho sự ổn định của khu vực.
Cuối tháng 7, ông Shih cho hay Đài Loan muốn tham gia cuộc tập trận RIMPAC.
“Chúng tôi quan tâm tới việc tham giam RIMPAC với tư cách là một quan sát viên vì điều này sẽ giúp chúng tôi học hỏi từ các hoạt động đào tạo tập thể và hỗ trợ nhân đạo” – ông nói.
Washington ra quyết định không mời Đài Loan tham gia tập trận RIMPAC năm nay khi các mối quan hệ ở eo biển Đài Loan xấu đi và khi Bắc Kinh, Washington và Đài Bắc tìm cách xoa dịu căng thẳng.
Mỹ vạch ra giới hạn đỏ
Đài Loan có nhiều hy vọng được tham gia cuộc tập trận RIMPAC khi Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm 2021 hồi tháng trước. Đạo luật kêu gọi Mỹ mời Đài Loan tham gia tập trận và ngăn Trung Quốc chiếm đóng Đài Loan.
Việc Đài Loan có thể tham gia tập trận RIMPAC càng chắc chắn hơn khi Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar tới thăm Đài Loan trong chuyến thăm cấp cao kéo dài bốn ngày hồi tuần trước.
Ông Lin Yu-fang, chuyên gia tại Quỹ chính sách quốc gia (Đài Loan) cho rằng bất chấp quan hệ Mỹ-Đài Loan đang ấm lên, song việc Mỹ sẽ không mời Đài Loan tham gia cuộc tập trận RIMPAC là có thể hiểu được.
Máy bay Đài Loan bắn pháo sáng trong cuộc tập trận ở TP Đài Chung tháng 7-2020. Ảnh: AP
“RIMPAC là cuộc tập trận quốc tế quan trọng và những nước tham gia cuộc tập trận này đều là đồng minh quan trọng của Mỹ vốn đã ký hiệp ước an ninh và quân sự với nhau” – ông Lin cho biết.
Ông Lin nói rằng trong khi quan hệ Mỹ-Đài Loan đang ở đỉnh cao, Washington sẽ vạch ra giới hạn.
“Đúng vậy, họ (Mỹ) đã cử bộ trưởng y tế tới Đài Loan nhưng tất cả đều là kết quả của sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta không nên mong đợi Mỹ sẽ làm bất cứ thứ gì để mang lại lợi ích cho Đài Loan” – ông Lin nhận định.
“Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vạch ra giới hạn đỏ về điều này và sẽ không cho phép bất kỳ ai trong chính quyền ông vượt qua vì như vậy sẽ mang lại thảm họa cho quan hệ Mỹ-Trung. Và Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa” – ông Lin nói.
Ông cho biết thêm ông Trump ý thức được rằng một cuộc xung đột toàn diện với Bắc Kinh sẽ không có lợi cho Washington.
Trong khi đó, ông Zhu Feng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại ĐH Nam Kinh (Trung Quốc) đánh giá việc loại Đài Loan khỏi cuộc tập trận RIMPAC phản ánh “sự nhạy cảm” của Lầu Năm Góc nhằm tránh một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng.
“Quan hệ Mỹ-Trung đang trong tình trạng khó khăn và không bên nào muốn căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát ở Tây Thái Bình Dương. Các cường quốc có thể cạnh tranh về mặt chiến lược, nhưng họ vẫn muốn quản lý các rủi ro nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột quân sự” – ông Zhu cho biết.
Chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh Li Jie cho rằng vấn đề Đài Loan tham gia RIMPAC là một con bài mặc cả của Washington khi đối phó với Bắc Kinh.
“Mỹ có lẽ vẫn mời Đài Loan (vào lần tới) nếu họ muốn giơ ra con bài Đài Loan” – ông Li nói.