Theo giới thiệu của Thượng tá Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Công an huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng (nay là Trưởng Phòng tổ chức Công an tỉnh), PV xuống nhà tạm giữ tìm Thiếu tá Lê Minh Tiến, điều tra viên trung cấp, công tác tại Đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy và môi trường.
Đặt việc cảm hóa lên hàng đầu trong quá trình phá án
Thời điểm này, Thiếu tá Tiến đang hỏi cung một nghi can trong vụ án trộm cắp tài sản mà công an huyện vừa triệt phá, bắt giữ.
Do đang hỏi cung nên Thiếu tá Tiến ra hiệu cho chúng tôi ngồi đợi ở băng ghế trước phòng.
Trong phòng hỏi cung, trước mặt điều tra viên là một thanh niên trẻ tuổi, ánh mắt lừ đừ. Chúng tôi nghe Thiếu tá Tiến hỏi thăm về cha mẹ, anh chị em, bạn bè và quê hương của nghi can, sau đó lại thấy điều tra viên hỏi nghi can “thèm thuốc không” và nghe câu trả lời lí nhí “dạ có”.
Chưa dừng lại, anh Tiến mở nắp một chai nước lọc trên bàn, rót 1/3 vào ly và uống gần cạn rồi sau đó, rót đầy ly cho nghi can.
Tôi hỏi “Sao lại uống nước và hút thuốc trước khi đưa cho nghi can?” thì Tiến trả lời “Phải thử để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nghi can anh ạ!”.
Chúng tôi hiểu vì sao trước khi giới thiệu để viết về điều tra viên Lê Minh Tiến, Trưởng Công an huyện Đạ Huoai, đã nói: “Tôi khẳng định đây là một trong những cán bộ có năng lực, vô cùng trách nhiệm. Anh luôn đặt việc cảm hóa đối tượng lên hàng đầu trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm. Điều này khiến cơ quan CSĐT luôn an tâm khi giao những vụ án khó, phức tạp và vụ án có các nghi can “cứng đầu” cho Tiến thụ lý”.
Để nghi can đối diện với lương tri
Tốt nghiệp ĐH Cảnh sát chuyên ngành cảnh sát hình sự, năm 2006, Lê Minh Tiến được phân công về Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đạ Huoai và công tác từ đó đến nay.
Quá trình trưởng thành từ trinh sát hình sự đến điều tra viên, Tiến chọn giáo dục, cảm hóa, khơi gợi phần người trong bản thân các nghi can. Tiến cho biết dù đã vi phạm pháp luật và sẽ bị trừng phạt thích đáng nhưng trên hết, phía sau bản án, họ cần được phục thiện để quay về “nẻo thiện”.
Cũng theo Tiến, việc châm điếu thuốc hay cho nghi can uống ly nước không phải để lấy lòng nghi can. Ở đây, Tiến muốn nói cho nghi can đó hiểu rằng con người ta cần sòng phẳng, có lỗi thì nhận lỗi, không quanh co, chối tội hoặc tìm cách đùn đẩy cho người khác.
Tiến kể năm 2014, trên địa bàn huyện Đạ Huoai xảy ra một vụ án giết người gây xôn xao dư luận. Đó là ngày 2-11-2014, công an huyện nhận tin báo có một phụ nữ lớn tuổi bị giết chết trong khu vực đồi núi, xa khu dân cư, xung quanh cây cối um tùm.
Vào cuộc điều tra, Tiến nắm được một thông tin quan trọng là ngày xảy ra vụ án mạng, có một người lạ vào khu vực này để hỏi thăm, tìm nhà. Nhận dạng của người dân trùng khớp với Hải, một phạm nhân vừa chấp hành án từ trại giam Đại Bình. Sau đó, Tiến đã khống chế, bắt giữ Hải tại nhà mẹ của Hải ở TP.HCM rồi đưa về Công an huyện Đạ Huoai.
Trao đổi với PV, Thượng tá Lê Thanh Nam cho biết trong quá trình công tác, Thiếu tá Tiến luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đã tham gia rất nhiều các vụ án như cướp giật, trộm cắp tài sản hay những vụ án cố tình gây thương tích trên địa bàn. Hầu hết vụ án mà Tiến tham gia đều có tính trách nhiệm và thể hiện tinh thần đấu tranh tội phạm, làm rõ các vụ án trong thời gian sớm nhất.
“Đặc biệt, anh Tiến đã cảm hóa được rất nhiều đối tượng, có khi xuống tận địa bàn để xác minh và gặp đối tượng để có những vận động, chia sẻ, từ đó đối tượng hợp tác giúp cho cơ quan điều tra khám phá nhanh hơn” - Thượng tá Nam chia sẻ thêm về Thiếu tá Lê Minh Tiến.
Khơi gợi tính thiện trong con người nghi can
Thiếu tá Lê Minh Tiến kể ngày 1-11-2014, Nguyễn Minh Hải (sinh năm 1977, ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, Đồng Nai) được tha tù trong một vụ án trộm cắp tài sản. Rời trại giam Đại Bình ở huyện Bảo Lâm, Hải xuống xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai tìm nhà một người bạn tù từng cải tạo chung.
Tại đây, thay vì tìm nơi khác khi tới nhầm nhà của người phụ nữ (sinh năm 1957), Hải dùng dao khống chế người này ra sau đồi vắng rồi hiếp dâm. Sau đó, Hải đã giết chết và cướp tài sản của nạn nhân rồi bỏ trốn.
Sau khi bị bắt, Hải quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội. Dù anh Tiến đã có nhiều chứng cứ về hành vi phạm tội của Hải nhưng đã không đưa ra ngay mà dành hơn 30 phút nói chuyện với Hải.
“Tôi đã nói chuyện với Hải về gia đình, về đạo đức của con người, về quê hương… và may thay, trong hơn 30 phút đó, giọt nước mắt của con người còn sót lại ở nghi can này đã kịp chảy ra trước khi Hải cúi đầu nhận tội” - Tiến kể thêm.