Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã

(PLO)- Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 gồm 20 thành viên do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng ban.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 (Ban Chỉ đạo).

Ban chỉ đạo gồm 20 thành viên

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo gồm 20 thành viên. Trong đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quanglàm Trưởng ban; ba phó trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Phó Trưởng Ban thường trực, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy.

Ngoài ra còn có 16 ủy viên là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương.

Cũng theo quyết định, Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030.

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-20230. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các địa phương trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Một nhiệm vụ khác của Ban Chỉ đạo là giúp Thủ tướng đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 bảo đảm theo đúng quy định của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Các địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án tổng thể

Trước đó, hôm 17-10, Thủ tướng đã có công điện nêu rõ hiện còn 50 tỉnh, TP đang xây dựng, hoàn thiện phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Việc này theo người đứng đầu Chính phủ là chưa bảo đảm theo yêu cầu tiến độ chung.

Do đó, ông yêu cầu lãnh đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án tổng thể nêu trên theo đúng quy định tại Nghị quyết 117/2023 của Chính phủ và gửi về Bộ Nội vụ chậm nhất là 31-10.

Theo Nghị quyết 117/2023, Chính phủ yêu cầu các địa phương việc xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã đồng thời có diện tích và dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300% quy định trong năm 2023.

Đồng thời khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp ĐVHC phù hợp với thực tiễn địa phương, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.

Đến năm 2024, hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã nêu trên, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC cấp huyện, xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

Hơn 1000 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sáp nhập

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, cả nước hiện có 52 ĐVHC cấp huyện (chiếm 7,38%) và 1.037 ĐVHC cấp xã (chiếm 9,78%) có cả hai tiêu chuẩn về dân số và diện tích chưa đạt 70%, thuộc diện phải sáp nhập trong ba năm tới.

Cũng theo thống kê, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, TP. Qua đó đã giảm tám ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.

Việc sắp xếp này giúp giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện, tinh giản 361/706 cán bộ, công chức cấp huyện; 6.657/9.705 cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời giúp giảm chi ngân sách nhà nước khoảng hơn 2.008 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm