Chúng tôi tìm đến làng đan rổ ở xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) để tìm hiểu cuộc sống của người dân sau đợt lũ vừa qua. Những tưởng với thiệt hại gần như hết thảy hoa màu thì người dân lại chìm vào cảnh trắng tay. Nào ngờ những ngày này, hàng chục gia đình làm nghề đan rổ, đan bội tre và làm chiếu đang nhộn nhịp vào mùa cho đợt hàng cuối năm.
Ông Hoàng đang cố gắng đan rổ để kiếm thêm tiền trong những ngày áp tết.
Ông Nguyễn Hoàng (70 tuổi, thôn Triều Châu) đang ngồi chuốt lại những nan tre cho chiếc rổ, vừa tâm sự với chúng tôi. Chẳng biết nghề này xuất hiện đã bao nhiêu năm rồi, chỉ biết là rất lâu. Người làm nghề này phải cần sự kiên nhẫn và sự tỉ mỉ, nếu nôn nóng thì khó mà làm được. Hiện tại thì sản phẩm làm ra có nguồn xuất khá rộng nên người dân cũng yên tâm.
“Sản phẩm làm ra mỗi ngày, nếu nhanh thì được 3-4 cái loại lớn hoặc 4-6 cái loại rổ nhỏ. Bình thường giá mỗi chiếc 15.000-25.000 đồng/cái tùy loại. Trong những ngày giáp tết do nhiều người cần nên giá có thể cao hơn, hàng bán được hơn. Mới đây, lũ quá làm hư hết hoa màu nên bà con trong làng đành phải làm nghề này để kiếm đồng ra đồng vào tiêu trong dịp tết” - ông Hoàng nói.
Người dân ở Bàn Thạch đang hối hả vào vụ chiếu những ngày giáp tết.
Không chỉ với nghề đan rổ tre, Duy Xuyên còn được biết đến với một làng nghề đan chiếu cói truyền thống Bàn Thạch (xã Duy Vinh). Ngay từ đầu tháng Chạp, trên những con đường vào các thôn đều có những cây cói được nhuộm màu sắc, phơi khắp nơi. “Sau lũ, mấy sào rau đậu bị hư mất rồi, giờ chỉ trông vào cái này thôi. Nếu cố gắng làm thì một ngày kiếm được vài trăm. Mỗi chiếc chiếu thành phẩm tùy theo kích thước mà giá dao động 60.000-120.000 đồng/chiếc. Nếu chăm chỉ thì ngày có thể làm 2-4 chiếc” - chị Trần Thị Liên (50 tuổi, thôn Vĩnh Nam) cho hay.
Điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh một cụ bà đang ngồi bên khung dệt chiếu dù tuổi đã khá cao. Qua tiếp xúc, cụ cho biết tên là Lê Thị Thêm, năm nay đã bước sang tuổi 96. “Giờ già rồi nhưng cũng muốn làm cho vui và cũng để giữ lửa nghề truyền thống. Đã 80 năm miệt mài với nghề, giờ tuy gần đất xa trời nhưng không thể rời tay được” - cụ Thêm chia sẻ.
Cụ Thêm dù đã 96 tuổi nhưng vẫn đan chiếu cói cùng con cháu. Bà xem đó như cách giữ lửa nghề truyền thống.
Trở mình sau những tổn thất do lũ, làng nghề đan chiếu ở “xóm ba sông” lại nhộn nhịp những ngày cuối năm…