Gia đình anh Trương Mậu Đông (40 tuổi), ngụ đường Nguyễn Bá Tòng là gia đình duy nhất còn giữ nghề dệt vải bằng khung gỗ truyền thống.
Cụ Trương Tôn (84 tuổi), cha anh Trương Mậu Đông, di cư từ Quảng Nam vào Sài Gòn từ năm 1963 mang theo nghề dệt thủ công Duy Xuyên.
Gia đình có bảy anh chị em thì có đến sáu người theo nghề của cha mẹ. Cả nhà sống nhờ vào bốn máy dệt khung gỗ cũ kỹ.
Anh Đông kể làng dệt Bảy Hiền ở TP.HCM nằm tập trung trên các con đường như Võ Thành Trang, Nguyễn Bá Tòng... (phường 11, quận Tân Bình), hình thành từ quá trình di cư vào Nam lập nghiệp của người Quảng Nam vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Dệt Bảy Hiền trước đó phát triển cực thịnh, thu hút hơn 4.000 lao động, đạt sản lượng gần 40 triệu mét vải mỗi năm. Từ những năm 2000 trở về sau, thời kỳ cơ chế thị trường, làng dệt Bảy Hiền bị cạnh tranh gay gắt bởi vải ngoại nhập, nhất là từ Trung Quốc bởi giá thành rẻ, mẫu mã đẹp.
Một số đại gia làng dệt vỡ nợ vì đầu tư máy móc một cách tràn lan. Theo phong trào thay đổi máy dệt từ khung gỗ sang máy kim của Trung Quốc nở rộ, ai cũng nghĩ sẽ cạnh tranh và hy vọng ngành dệt sống lại.
Nhiều hộ bất chấp tất cả khi thế chấp nhà cửa để đầu tư máy, mỗi máy cũng vài trăm triệu đồng, tiền gia công gần 5.000 đồng/m nhưng số lượng nhiều nên giảm xuống còn 3.000 đồng/m. Thua lỗ, làng dệt càng ngày càng đi vào ngõ cụt.
Riêng chỉ gia đình anh Đông vẫn giữ cách làm truyền thống, dệt vải bằng khung gỗ.
Mỗi ngày xưởng dệt gia đình anh Đông làm từ 6 giờ đến 19 giờ. Theo lời anh, dệt vải bằng khung gỗ một giờ sản xuất được 2 m vải, 1 m vải thô bán được 6.600 đồng.
Mỗi ngày sản xuất được 30 m, thu lời 200-300 đồng/m vải, tính ra một ngày gia đình anh thu nhập chỉ hơn 10.000 đồng.
Trước đây ở khu vực này còn 3-4 hộ dùng máy dệt bằng gỗ nhưng sau đó phải chuyển đổi sang nghề khác.
Kinh tế gia đình anh nhờ vào bốn khung gỗ dệt này nhưng máy dệt thường xuyên hư hỏng, việc sửa chữa tốn kém.
Số vải thô được dệt theo đơn đặt hàng của các cơ sở nhuộm. Thời gian trở lại đây, gia đình anh Đông không dám dệt dư vì quá ế.
Người thợ dệt đưa bàn tay sờ lên tấm vải mịn còn trong khung dệt.
Một máy dệt bỏ không vì hư hỏng chưa được sửa chữa.
Hằng ngày dù tuổi cao nhưng cụ Trương Tôn vẫn phụ con việc lắp sợi vào máy cuốn.
Đây là công đoạn đầu tiên trong việc sản xuất vải bằng máy dệt gỗ.
Những cuộn gỗ được chuẩn bị sẵn để cho vào con thoi.
Máy móc cũ kỹ nên thường xuyên hư hỏng.
Nhông sắt hư hỏng được tận dụng là giá treo.
Số vải không bán được chất đống bên xưởng dệt. "Mặc dù thua lỗ nhưng còn người mua là còn sản xuất, tới đâu hay tới đó" - anh Đông chia sẻ.
Số chỉ rối vứt đi trong sọt rác.