Bộ VH-TT&DL vừa quyết định chọn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đến với vòng sơ tuyển của Oscar. Tác phẩm của đạo diễn Victor Vũ đại diện Việt Nam dự sơ tuyển Oscar lần thứ 89 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Sau nhiều năm gián đoạn kể từ năm 1993, đến năm 2007 Việt Nam mới tiếp tục chọn phim gửi đi dự tuyển Oscar với các phim: Chuyện của Pao (2007), Áo lụa Hà Đông (2008), Đừng đốt (2010), Khát vọng Thăng Long (2012), Mùi cỏ cháy (2013), Trúng số (2015) và năm nay là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Đi thi cho biết người, biết ta
Để chọn được Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đại diện cho Việt Nam, Hội đồng Quốc gia tuyển chọn phim tham dự vòng sơ tuyển giải Oscar 2017 đã phải chọn dựa trên năm phim gửi về. Ngoài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là các phim: Cuộc đời của Yến, Truy sát, Có bao giờ yêu nhau, 12 chòm sao: Vẽ đường cho Yêu chạy.
Tuy nhiên, sự lựa chọn này, theo nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cũng chỉ là chuyện “so bó đũa chọn cột cờ”. “Hội đồng tuyển chọn thường chọn phim theo phương án họ cho là giải pháp ổn nhất. Họ ít khi chọn những phim có sự tìm tòi về nghệ thuật như phim độc lập của Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp. Dù phim của Điệp hay Di không phải là “gu” của Oscar và cũng khó có cơ hội” - nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm bày tỏ.
Nhưng như thế vẫn còn là may, bởi vào năm 2013 hội đồng tuyển chọn phim Việt tham dự giải Oscar đã không phải làm việc vì Cục Điện ảnh không chọn được phim nào để trình lên xét duyệt.
Sau Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ hiện được coi là phim Việt có chất lượng ổn nhất đi dự Oscar.
Nói về cơ hội của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ở Oscar năm nay, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm thẳng thắn: “Cơ hội của bộ phim này là... 0%. Với trình độ điện ảnh Việt Nam hiện nay, việc gửi phim đi sơ tuyển Oscar chỉ mang tính chất “cho vui” thôi. Việt Nam chẳng có cơ hội nào lọt vào tốp 9, chứ đừng nói tới tốp 5 trong hạng mục Phim nước ngoài hay nhất của Oscar”.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - người từng nhiều lần ngồi trong Hội đồng Quốc gia tuyển chọn phim Việt tham dự Oscar cũng phải thừa nhận mục tiêu mong muốn của nước ta khi đưa phim đi dự cũng nhằm để cọ xát, biết mình đang ở mức độ nào, đang ở đâu chứ không có nhiều hy vọng.
Kể chuyện kiểu cũ không hợp “gu” Oscar
Lý giải về việc tại sao phim Việt ít có cơ hội ở Oscar, đạo diễn Bá Vũ cho rằng phim Việt chủ yếu là phim thương mại. Việc chọn phim thương mại để dự giải rất khó phù hợp với tiêu chí của Oscar. Vì vậy có rất ít cửa để tiếp cận với giải thưởng này. Trong khi đó, phim nghệ thuật kiểu như của đạo diễn Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, những nhà làm phim độc lập khác thì lại không có cửa tiếp cận khán giả ở rạp.
“Bây giờ phim xã hội hóa rồi, tư nhân bỏ tiền ra làm là chính, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh Nhà nước giao cho tư nhân làm, còn phim nghệ thuật không có cửa bán vé ở Việt Nam nên nhà đầu tư ngại làm vì không có thị trường thì làm sao có phim” - đạo diễn Bá Vũ nói.
Đạo diễn Bá Vũ cũng dẫn chứng về phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng dù xuất sắc nhưng rất ít người xem. Thậm chí phim của các nước đạt giải Oscar khi đưa về chiếu trong nước cũng rất khó bán vé.
Còn nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lại cho rằng nguyên nhân khiến phim Việt chật vật ở Oscar là do cách kể, cách quan sát vấn đề của phim Việt đang cũ, riêng cái cũ đã là rào cản lớn, không có hy vọng để tranh giải. Bên cạnh đó, theo bà Nhã, phim Việt vẫn thiếu dấu ấn dân tộc, bản sắc văn hóa ở trong đó.
“Thực tế những phim được gửi đi có phim Trúng số thể hiện được đời sống đương đại của người Việt Nam hôm nay, nó có tính nhân văn hơn nhưng xuất sắc về mặt nghệ thuật thì chưa” - bà Nhã nói.
Vẫn còn có cơ hội
Dù khá bi quan về cơ hội của phim Việt ở Oscar, tuy nhiên nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã vẫn cho rằng cơ hội sẽ rõ ràng hơn khi Việt Nam có sự thay đổi.
“Đầu tiên là tiêu chí, mục đích làm phim phải đặt ra cho cả nhà làm phim tư nhân, những người thẩm định cũng như chi ngân sách cần rõ ràng. Phim của mình hiện nay do ngân sách nhà nước đầu tư thì mục đích để làm gì còn hơi mơ hồ, để tuyên truyền thì đương nhiên rồi nhưng để kiếm tiền hay dự thi thì còn mơ hồ. Muốn hướng tới phim dự thi từ nguồn ngân sách nhà nước thì những người thẩm định phải có tầm khác, có mục đích rõ ràng cho liên hoan phim nào, mở rộng hơn tầm nhìn cả về giải pháp nghệ thuật cũng như nội dung để cho bộ phim ít nhất sánh cùng với khu vực” - bà Nhã bày tỏ.
Còn đạo diễn Bá Vũ thì đặt vấn đề: “Chúng ta cần có chính sách bảo hộ cho phim nghệ thuật, không có chỗ cho phim đó sống được thì làm sao mà làm được, thi thố ở đâu được. Nhà nước phải có chính sách riêng cho phim nghệ thuật chứ không có đường nào khác”.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Đi nước ngoài mà căn cước mơ hồ Phim chúng ta bây giờ vẫn loay hoay kể một câu chuyện cho dễ hiểu. Các nhà làm phim tư nhân hay nhà sản xuất độc lập họ có chủ trương làm phim dự thi nhưng tôi cho rằng họ không phô diễn văn hóa dân tộc một cách xứng đáng. Đi nước ngoài mà căn cước văn hóa mơ hồ thì chắc chắn anh bị loại. |