Hoa muồng vàng còn có nhiều tên gọi khác: Hoa muồng hoàng yến, osaka, hoa muồng bò cạp...
Chỉ một đoạn ngắn trên đường Điện Biên Phủ, những gốc kèn hồng làm xốn xang bao con tim, thì những ngày này dọc đường Hoàng Sa và Trường sa (đoạn từ cầu Lê Văn Sĩ đến cầu Kiệu) cũng ngập sắc hoa vàng. Đoạn đường này 1-2 tháng trước là ngập sắc vàng hoa điệp, bây giờ lại ngập sắc hoa muồng vàng.
Phố trưa nắng dịu dàng nhờ sắc hoa vàng.
Loài hoa vàng này có tên khoa học là Cassia Fistula L nhưng hoa mang trong mình nhiều tên gọi dân dã khác nhau: Hoa muồng, hoa muồng hoàng hậu, hoa bò cạp vàng, hoa muồng hoàng yến, hoa hoàng yến, hoa muồng bò cạp, osaka… Dù tên gọi khác biệt theo vùng miền nhưng cứ mùa hoa muồng nở ở đâu cũng báo hiệu mùa hè đang rộn rã.
Hoa muồng dọc bờ kênh Nhiêu Lộc.
Những ngày trời nắng gắt, bỗng lọt vào con phố hoa vàng giữa lòng Sài Gòn, lòng người có ngổn ngang cũng bỗng chốc được dịu lại.
Cánh hoa muồng vàng mỏng manh nên khi rụng không làm người đi đường dễ thấy như hoa điệp.
Có lẽ không sắc hoa nào làm người ta dễ xao xuyến cho bằng sắc hoa vàng, một màu hoa rực rỡ nhưng gây xốn xang nhiều nhất… Bởi hoa trắng, hoa đỏ, hoa hồng… có phai màu cũng không tội như “vàng phai”, như “hoa vàng năm cũ biết phai về đâu” (Hoàng Thúc Sinh).
"Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời" (nhạc Trịnh Công Sơn).
Và đôi khi làm người qua đường lòng lặng lại để mơ màng như câu hát “có lẽ ta về ai biết đâu, trồng vàng hoa trên núi sương hào” (Hoàng Quốc Bảo)...