Ngày 19-9, nhiều tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) một lần nữa phản ứng vì ban quản lý (BQL) chợ quá chậm trễ trong việc sửa chữa nâng cấp chợ dù tiền sửa chợ đã thu từ lâu.
Quận vẫn… hứa
Các tiểu thương đã cùng nhau tập trung trước chợ rồi kéo đi dọc tuyến đường An Dương Vương đến UBND TP (quận 1) gây ách tắc giao thông. Các tiểu thương đưa ra các yêu cầu: UBND quận 5 phải công nhận quyền sở hữu quầy sạp của họ vì nguồn gốc chợ là do tiểu thương đóng tiền xây; quận phải gửi trả lại số tiền 217 tỉ đồng họ đã đóng góp sửa chợ từ năm 2013.
Sáng cùng ngày, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, đã trực tiếp xuống chợ đối thoại với bà con. Ông Huy cho biết số tiền 217 tỉ đồng đã được TP cho phép sử dụng để sửa chữa chợ, bà con yên tâm. Quá trình sửa chữa sẽ có đại diện tiểu thương tham gia giám sát cùng BQL.
Riêng việc bãi bỏ quyết định ký hợp đồng thuê quầy sạp có thời hạn, quận không thể quyết định được mà phải đợi ý kiến từ TP.
Lãnh đạo quận cam kết toàn bộ số tiền 217 tỉ đồng sẽ được đầu tư nâng cấp sửa chữa chợ An Đông đến năm 2021 với nhiều hạng mục, thời gian khác nhau. Trong sáu hạng mục, BQL đã làm hai mục là hệ thống điện động lực và nhà vệ sinh.
Các tiểu thương tập trung trước cửa chợ An Đông. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Trên thực tế, các cam kết của quận như tháng 7 khởi công nâng cấp bốn mặt tiền, chống dột, chống thấm… đến nay vẫn chưa được thực hiện và cũng không có sự giải thích nào được đưa ra.
Trước câu trả lời của lãnh đạo quận, tiểu thương chưa hài lòng nên đã kéo lên UBND TP.HCM để gửi đơn. Tiếp nhận đơn phản ánh của các tiểu thương, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng Xử lý đơn - Ban tiếp công dân TP thuộc Văn phòng UBND TP.HCM, hướng dẫn bà con đến trụ sở Văn phòng Tiếp công dân TP, 15 Nguyễn Gia Thiều, phường 6, quận 3.
4 năm kế hoạch vẫn nằm chờ
Trước đó, hồi tháng 5, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP đã đề nghị UBND quận 5 chỉ đạo các đơn vị liên quan sử dụng toàn bộ 217 tỉ đồng tái đầu tư xây dựng nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ An Đông, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, hoàn thành chậm nhất trong tháng 6.
Chợ An Đông đã được lãnh đạo TP khẳng định là chợ truyền thống loại I. Sở Công Thương cũng xác nhận chợ truyền thống thì không có tiền thuê quầy sạp mà chỉ thu phí, lệ phí. Năm 1990 bà con đóng tiền xây dựng chợ và đã được cấp một bản hợp đồng có nội dung “Chủ quyền sử dụng quầy sạp”. Từ đó, tiểu thương cho rằng lý giải ban đầu của quận 217 tỉ đồng là tiền thu thông qua hợp đồng cho thuê sạp có thời hạn, thuộc tiền ngân sách là không chính xác.
Đáng nói hơn, tiền đã thu từ năm 2013 nhưng BQL và quận không thực hiện theo biên bản, gây hậu quả nghiêm trọng cho hơn 2.305 quầy sạp. Quận để tiền vào Kho bạc Nhà nước quận 5 không phát sinh đồng lãi nào; chợ không sửa xuống cấp trầm trọng, doanh số của tiểu thương giảm 70% nhưng thuế một năm vẫn thu đủ 62 tỉ đồng.
Thông báo khởi công nhưng chưa thấy “nhúc nhích” Theo thông báo của UBND quận 5 về kết quả hội nghị đối thoại giữa quận và tiểu thương chợ An Đông, thống nhất thời gian nâng cấp bốn mặt tiền chợ là tháng 6-2017; thời gian thay mới gạch nền, hệ thống máy lạnh, hệ thống chiếu sáng ngoại vi là ngày 15-10-2017. Trước cổng chợ cũng có thông báo công trình cải tạo sửa chữa với đầy đủ thông tin, đề mục, ngày khởi công 20-6-2017, ngày hoàn thành 20-12-2017 nhưng trên thực tế vẫn chưa khởi động hạng mục nào. |