Vụ học sinh iSchool Nha Trang ngộ độc: Sớm xác định nguồn lây vi khuẩn Salmonella

(PLO)- Đoàn công tác Bộ Y tế đề nghị nhanh chóng xác định nguồn lây vi khuẩn Salmonella vụ hàng loạt học sinh Trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc, từ đó ngăn chặn và phòng ngừa vi khuẩn phát tán.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-12, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa và các bệnh viện (BV) về vụ hàng trăm học sinh, giáo viên bị ngộ độc thực phẩm tại Trường ischool Nha Trang.

Hy vọng chiều 22-11 có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm

Theo ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, các BV trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, điều trị 648 học sinh và giáo viên Trường ischool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm.

Hiện còn 205 bệnh nhân đang điều trị trong các BV. Các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, không có trường hợp phải theo dõi do trở nặng. Vụ ngộ độc ghi nhận một học sinh sinh năm 2016 tử vong.

Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc tại Khánh Hòa. Ảnh: HH.

Đoàn công tác Bộ Y tế làm việc tại Khánh Hòa. Ảnh: HH.

“21 trường hợp được báo cáo trong ngày 20-11 là nặng đã được điều trị ổn định. Hiện các bệnh đã ăn uống được”- ông Hiệp cho biết thêm.

Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết ngay sau khi xảy ra vụ ngộ độc, các BV đã tập trung nguồn nhân lực để cứu chữa bệnh nhân.

Các bác sĩ chẩn đoán, nhận định bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc nguyên nhân do thức ăn. BV đã bám sát phác đồ điều trị của Bộ Y tế với hướng điều trị là kháng sinh, dịch truyền bù nước điện giải…

Ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, thông tin về vụ ngộ độc. Ảnh: HH.

“Về mặt vi sinh, các BV cũng đã nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân). Kết quả cho thấy các mẫu nuôi cấy đều dương tính với vi khuẩn Salmonella”- Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho hay.

Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết các BV đã thông qua kết quả nuôi cấy mẫu và định hướng điều trị cho bệnh nhân theo hướng nhiễm khuẩn Salmonella. Việc điều trị ngay từ đầu đã được làm rất tốt, các bệnh nhân đều đáp ứng điều trị.

Tại cuộc họp, ông Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho biết viện đang thực hiện xét nghiệm tám mẫu bệnh phẩm được Trung tâm Y tế TP Nha Trang gửi đến.

“Chúng tôi đang tập trung xét nghiệm. Nếu theo đúng thường quy thì ngày 23-12 mới có kết quả, nhưng tôi hy vọng chiều nay sẽ có kết quả”- Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang nói.

Về việc mất thời gian xét nghiệm, ông Hùng nói viện nhận được mẫu muộn hơn một ngày (ngày 19-12 mới nhận mẫu). Sau đó, viện phải cho tăng sinh để tăng lượng vi sinh vật để xét nghiệm.

Ngăn chặn không để vi khuẩn phát tán

Nói về vụ ngộ độc, ông Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, cho biết đã trực tiếp đến các BV ở Nha Trang kiểm tra công tác điều trị trong đêm 21-11.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện 22-12. Ảnh: PS.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện 22-12. Ảnh: PS.

Các thành viên của đoàn đã kiểm tra hồ sơ, bệnh án của các ca ngộ độc, đồng thời trực tiếp khám kỹ cho nhiều bệnh nhân bị ngộ độc đang điều trị. Một số phụ huynh có con em bị ngộ độc cũng đã được đoàn công tác động viện, giải thích rõ về quy trình tiếp nhận, điều trị.

Ông Nguyên nhận định: Qua kiểm tra thực tế của đoàn chuyên gia Bộ Y tế nhận thấy công tác thu dung điều trị bệnh nhân tại các BV đúng định hướng, các triệu chứng nhiễm trùng của bệnh nhân cơ bản đã hết. BV đã có chẩn đoán lâm sàng, xác định nguyên nhân và điều trị hiệu quả.

Cũng theo ông Nguyên, bệnh nhân sau khi ra viện dạ dày vẫn bị ảnh hưởng nên ăn uống sẽ khó chịu. Do đó, người bệnh cần ăn thức ăn mềm rồi tăng dần lên, tránh thức ăn gây đau dạ dày như chua, cay, ngọt… Cùng với đó cần tái khám để theo dõi và tuân thủ phác đồ điều trị của BV.

Đặc biệt, người nhà và bệnh nhân cần lưu ý giữ gìn vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng. Các bệnh nhân sau khi xuất viện, trong cơ thể vẫn còn một số chỉ số khi xét nghiệm không đạt chuẩn. Chỉ số này có thể kéo dài hàng tháng nhưng điều này không vấn đề gì, quan trọng là các biểu hiện bệnh. Bệnh nhân nên đi xét nghiệm, nhập viện khi cảm thấy đau trở lại.

Sau khi nghe các cơ quan thông tin về vụ ngộ độc, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, nhận định đây là vụ ngộ độc thức ăn lớn. Những yếu tố dịch tễ, chẩn đoán lâm sàng cũng như kết quả nuôi cấy mẫu phân của các BV có thể nhận định, chẩn đoán các bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella.

Ông Dương đánh giá ngành y tế cũng như các BV ở Nha Trang (Khánh Hòa) dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế đã tập trung điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Ông Vương Ánh Dương đề nghị nhanh chóng xác định nguồn lây vi khuẩn Salmonella. Ảnh: HH.

Ông Vương Ánh Dương đề nghị nhanh chóng xác định nguồn lây vi khuẩn Salmonella. Ảnh: HH.

“Các chuyên gia trong đoàn đã thống nhất phác đồ điều trị đối với các bệnh nhân còn đang điều trị. Rất đáng tiếc một em học sinh tử vong do vụ ngộ độc”

Ông Dương cũng đề nghị ngành y tế tiếp tục tăng cường chỉ đạo các BV đang thu dung bệnh nhân để thống nhất phác đồ điều trị. Đối với các bệnh nhân đã ra viện, ông Dương đề nghị BV có lịch hẹn tái khám và lưu ý các triệu chứng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cho phụ huynh để bớt sự lo lắng và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thân thể.

Đặc biệt, địa phương phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và các đơn vị liên quan nhanh chóng xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm khuẩn Salmonella. Từ đó, ngăn chặn và phòng ngừa được vi khuẩn Salmonella phát tán.

“Chúng ta phải xác định được nhiễm khuẩn Salmonella đang nằm ở đâu đó trong thức ăn. Nội dung này đành chờ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang”- ông Dương nói.

Không để lại di chứng

Các bệnh nhân trong vụ ngộ độc đã được truyền dịch, kháng sinh và lợi khuẩn. Qua thăm khám, các bệnh nhân đã hết sốt, đỡ đau bụng, tiêu chảy. Các bác sĩ vẫn sẽ truyền kháng sinh 5-7 ngày để tiêu diệt vi khuẩn Salmonella, đồng thời tiếp tục cân bằng vi khuẩn có lợi cho đường ruột và điều trị triệu chứng.

Nhiễm vi khuẩn này hầu hết không để lại di chứng. Nó là trường hợp nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn và sau khi điều trị hết thì trở lại bình thường.

Sau khi nhiễm vi khuẩn, hệ vi sinh của đường ruột chưa cân bằng lại được. Vì vậy, phụ huynh cần cho các cháu ăn thức ăn dễ tiêu hóa, mềm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Và để đảm bảo các vi khuẩn còn sót lại thì phải đảm bảo vệ sinh cá nhân cho các cháu.

TS NGUYỄN THỊ HƯƠNG GIANG - Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm