Ngày 29-11, theo nghị trình, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.
Góp ý, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho hay dự án luật đề xuất sửa đổi, bổ sung 77 khoản của 43 điều, bổ sung mới tám điều, chưa kể nhiều kiến nghị mới được các ĐB nêu tại phiên thảo luận. Bà Sửu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chuyển thành Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND (sửa đổi).
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình với quan điểm nêu trên. Nữ ĐB lưu ý việc xây dựng luật này cũng phải thực hiện những yêu cầu liên quan tới quá trình đổi mới.
“Dự án luật này liên quan chặt chẽ với Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện lộ trình sắp xếp bộ máy, chắc chắn sẽ có những điều chỉnh ở các dự luật liên quan” - bà Mai Hoa nhấn mạnh.
Bà Hoa cũng kiến nghị cân nhắc thời điểm thông qua dự án luật để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật liên quan tới hoạt động của QH.
Giải trình cuối phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho hay luật này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động giám sát của QH và HĐND. Đồng thời, quy định về các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát và chịu sự giám sát. Tuy nhiên, các quy định của luật chỉ đề cập đến những cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước là chủ yếu nhưng không quy định cụ thể tên cơ quan nào.
“Việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bộ máy của hệ thống chính trị sẽ không ảnh hưởng đến nội dung của luật này. Vấn đề không quy định tên cụ thể của các cơ quan cũng sẽ được tiếp tục lưu ý trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật” - ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.
Một nội dung đáng chú ý khác, ĐB Hà Phước Thắng (đoàn TP.HCM) cho hay dự thảo luật quy định “khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân thì ĐBQH nghiên cứu xử lý, khi cần thiết thì chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét và giải quyết”.
Đánh giá quy định này “không phù hợp với thực tế hiện nay”, ĐB đề nghị sửa lại theo hướng “khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân thì ĐBQH nghiên cứu chuyển trực tiếp hoặc giao cho đoàn ĐBQH chuyển đến các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền xem xét để giải quyết theo quy định”.
Quy định như vậy sẽ giúp cho ĐBQH chuyển nhanh hoặc nhờ đoàn ĐBQH chuyển giúp đến các cơ quan, cá nhân có liên quan để giải quyết những nội dung khiếu nại, kiến nghị, tố cáo của cử tri…
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết Hội đồng Dân tộc sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH và trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được QH thông qua.