“Nghị định 16 ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ theo ba giai đoạn: Đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2018, tính thêm chi phí quản lý; đến năm 2020 thêm chi phí khấu hao tài sản cố định”.Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế),cho biết như trên và nhấn mạnh đây là một chính sách lớn tác động đến người bệnh và cả hệ thống cơ sở y tế.
Giảm bớt đóng góp của người bệnh
. Phóng viên:Lộ trình điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn. Dự kiến mỗi đợt sẽ tăng bao nhiêu phần trăm so với mức giá hiện tại và mức đóng BHYT của người dân sẽ điều chỉnh như thế nào?
. Có thể yên tâm là khi các bệnh viện (BV) tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế thì người dân, đặc biệt là người có BHYT sẽ được lợi trước nhất?
+ Thứ nhất là người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn do BV được thu đủ chi phí nên sẽ có kinh phí để nâng cao chất lượng chăm sóc và phục vụ người bệnh. Cũng do giá được tính đủ, các BV mạnh dạn triển khai các kỹ thuật y tế mới và người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này.
Thứ hai là giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh đối với các dịch vụ mà trước đây do mức giá thấp, một số chi phí chưa được kết cấu vào giá nên cơ quan BHXH không thanh toán đủ cho người bệnh. Nay giá tính đủ được cơ quan BHXH thanh toán làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
. Ông có thể cho một ví dụ dễ hiểu về vấn đề này?
+ Ví dụ lấy một giá dịch vụ kỹ thuật là “đỡ đẻ thường ngôi chỏm”, liên bộ Y tế -Tài chính đã tính toán chi phí để thực hiện dịch vụ là 525.000 đồng. Nếu quy định mức thu bằng 70% thì giá dịch vụ là 370.000 đồng và cơ quan BHXH sẽ chỉ thanh toán cho BV dịch vụ này là 370.000 đồng. BV vẫn triển khai dịch vụ trên và phần chênh lệch 155.000 đồng buộc phải thu thêm từ người bệnh. Nếu quy định giá là 525.000 đồng thì BHXH sẽ thanh toán cho BV 525.000 đồng, người bệnh không phải trả thêm 155.000 đồng này.
Viện phí tăng thu hút sự quan tâm của người bệnh. Trong ảnh: Người dân đóng viện phí tại BV Ung bướu TP.HCM. Ảnh: TÙNG SƠN
Không tác động lớn đến người đồng chi trả 20%
. Nhưng trên thực tế cơ quan BHXH không thanh toán hết chi phí khám, chữa bệnh mà người tham gia BHYT phải đồng chi trả. Vậy khi giá dịch vụ tăng thì đồng nghĩa người tham gia BHYT sẽ chi nhiều hơn?
+ Đúng là khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì phần lớn chi trả của người bệnh sẽ tăng lên nếu vẫn quy định mức đồng chi trả như trước đây. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT có hiệu lực từ 1-1-2015 đã điều chỉnh mức đồng chi trả nên việc ảnh hưởng đến các nhóm đối tượng có khác nhau:
- Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công, trẻ em dưới sáu tuổi: Không bị ảnh hưởng vì được BHYT thanh toán 100% chi phí (trước đây phải đồng chi trả 5%).
- Đối với người cận nghèo: Mức tác động không nhiều vì đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây phải đồng chi trả 20%). Ví dụ một bệnh nhân điều trị hết 10 triệu đồng. Trước 31-12-2014, bệnh nhân sẽ phải đồng chi trả mức 20% là 2 triệu đồng. Nhưng từ 1-1-2015 bệnh nhân đồng chi trả mức 5% là 500.000 đồng. Giả sử sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chi phí của điều trị trên là 13 triệu đồng. Mức đồng chi trả của người bệnh lúc này là 650.000 đồng (5% x 13.000.000). Như vậy mức đồng chi trả vẫn thấp hơn mức phải trả trước đây.
- Đối tượng có thẻ BHYT đồng chi trả 20%: Bị ảnh hưởng không nhiều vì như đã phân tích ở trên, khi chưa tính đủ giá người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này. Mặt khác, từ 1-1-2015, người tham gia BHYT từ năm năm liên tục trở lên đi khám, chữa bệnh đúng tuyến mà số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa sáu tháng lương cơ sở.
. Hiện cả nước còn khoảng 30% dân số chưa tham gia BHYT, chủ yếu là người có mức sống trung bình. Việc tăng phí dịch vụ y tế sẽ tác động không nhỏ tới đối tượng này. Bộ Y tế có những giải pháp nào hỗ trợ nhóm đối tượng này?
+ Đúng là khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các đối tượng không có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, với chính sách này quan điểm của Nhà nước là để khuyến khích người dân tham gia BHYT để tiến tới BHYT toàn dân. Thực tế hiện nay do mức giá dịch vụ còn thấp nên nhiều người không tham gia BHYT mà bỏ tiền túi ra chi trả khi có bệnh. Nay điều chỉnh giá, người dân sẽ thấy được lợi ích, tính nhân văn của BHYT là chỉ phải đóng một mức nhỏ để mua BHYT khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán, giảm được rất nhiều chi phí.
Ngoài ra, để hạn chế tác động đối với người bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ tối thiểu 30% mệnh giá để người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT, giảm mức đóng BHYT khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Các tỉnh cũng đã và đang thành lập quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh người nghèo để hỗ trợ các trường hợp bệnh nặng, chi phí điều trị lớn.
Chưa tính đến tăng mức đóng BHYT
. Người dân cho rằng khi thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao như chụp CT, cộng hưởng từ…, họ phải đồng chi trả nhiều. Vậy khi tăng giá dịch vụ y tế thì có làm giảm chi phí từ tiền túi của họ không?
+ Chụp CT, cộng hưởng từ… là các dịch vụ được cơ quan BHYT thanh toán. Mức thanh toán còn tùy thuộc vào mức đồng chi trả của các nhóm đối tượng. Trong một số trường hợp người bệnh sử dụng chụp CT, cộng hưởng từ… mà BV phải vay vốn, liên doanh, liên kết thì phải trả thêm tiền khấu hao máy móc, hóa chất. Nếu khi điều chỉnh giá dịch vụ có tính thêm khấu hao này thì quỹ BHYT sẽ chi trả cả phần khấu hao theo các tỉ lệ mà đối tượng được hưởng BHYT, như vậy sẽ giảm chi phí từ tiền túi của người dân.
. Theo giải thích của ông, trong hầu hết mọi trường hợp khi tăng giá dịch vụ y tế, cơ quan BHXH sẽ phải chi trả nhiều hơn. Vậy liệu có nguy cơ dẫn tới vỡ quỹ BHYT như đã từng xảy ra trước đây và lúc đó phải tăng mức đóng BHYT?
+ Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình không phải là làm tăng chi phí dịch vụ. Chi phí dịch vụ vẫn bao gồm bảy yếu tố cấu thành, hiện mới tính ba yếu tố, phần còn lại do Nhà nước chi trả. Lộ trình điều chỉnh giá song song với lộ trình chuyển phần ngân sách nhà nước cấp cho các BV sang hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân. Theo liên bộ tính toán, nếu kết cấu tiền lương vào giá dịch vụ thì quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối. Thêm nữa, khi Nhà nước có nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHYT thì tỉ lệ người dân có thẻ BHYT sẽ tăng lên, theo đó nguồn quỹ BHYT cũng sẽ tăng. Hiện nay mức đóng BHYT là 4,5% mức lương cơ sở, còn mức trần theo quy định là 6%. Việc có phải tăng mức đóng BHYT hay không liên bộ sẽ tính toán và đề xuất cụ thể trên cơ sở cân đối quỹ BHYT.
. Xin cám ơn ông!
Cải cách thủ tục khám, chữa bệnh Thực tế người dân tham gia BHYT vẫn còn tâm lý lo ngại thủ tục giấy tờ rườm rà, thời gian chờ đợi lâu, phân biệt đối xử người có thẻ với các đối tượng khác… Về vấn đề này, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: Song song với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, Bộ Y tế đã và đang tăng cường chỉ đạo các BV cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử để giảm phiền hà cho người bệnh, tăng cường giáo dục y đức… nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế thực chất là tính lại đường đi của đồng tiền. Một nửa nguồn kinh phí mà Bộ Tài chính trước đây cấp cho các BV (theo chỉ tiêu giường bệnh) thì nay sẽ dồn hết cho quỹ BHYT nhưng không phải đưa vào quỹ mà là chuyển hỗ trợ cho người dân mua BHYT. Lúc này các BV sẽ làm dịch vụ công đúng nghĩa, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Việc làm này là minh bạch và có lợi cho người bệnh. Ông NGUYỄN MINH THẢO, D.TÍNH ghi |