Dân bị ngăn tiếp cận BHYT

Cách thức triển khai chính sách BHYT theo hộ gia đình mới thực hiện mấy ngày qua nhận được phản ứng khá gay gắt từ người dân. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu hai ý kiến chuyên gia để tháo gỡ những điểm kẹt liên quan đến quy định này.

Ông Nguyễn Việt Khoa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh (ĐH Kinh tế TP.HCM):

Đi ngược cải cách thủ tục

BHYT theo hộ gia đình là chính sách an sinh tốt đẹp, nhân văn nhưng thực tế triển khai bộc lộ nhiều vấn đề không hợp lý, gây phiền phức cho người dân. Thứ nhất, trong thực tế cuộc sống có rất nhiều lý do khiến các thành viên trong gia đình không ở chung với nhau nên việc máy móc áp dụng mua BHYT theo cả hộ gia đình sẽ khó khả thi. Mặt khác, nó đi ngược xu thế mà cả nước đang hướng tới là sẽ bỏ dần hộ khẩu, thay vào đó quản lý mỗi người qua thẻ công dân. Như vậy chính sách này đi ngược cải cách thủ tục hành chính hiện hành.

Thứ hai, diện tạm trú, vãng lai ở các đô thị rất lớn. Những người này phần lớn chưa đăng ký tạm trú thì mua ở đâu, mua như thế nào, đây là vấn đề cần phải tháo gỡ để lao động nhập cư thuận tiện mua thẻ. Mặt khác, quy định mua theo hộ gia đình làm nảy sinh nhiều thủ tục phiền hà sẽ khiến người mua nản lòng. Như vậy liệu chính sách có đi vào đời sống, có thực hiện suôn sẻ hay không là vấn đề cần tính toán.

Để chính sách này đi vào đời sống, cần phải sửa lại hướng dẫn cho dễ thực hiện. Cụ thể, để mọi người tự họ quyết định mua hay không mua. Ngoài ra, cần đảm bảo nguyên tắc sinh sống, làm việc ở đâu thì để họ mua tại đó. Còn mua theo hộ khẩu rất phiền phức, chẳng lẽ khi bị ốm đau, chi trả chế độ người mua phải về địa phương đăng ký hộ khẩu để làm thủ tục. Tóm lại, cần phải giảm thủ tục hộ khẩu, giấy tờ xác minh, thay vào đó chỉ cần có chứng minh nhân dân là mua được rồi. Đối với người làm nghề tự do có thể đăng ký mua BHYT bất kỳ ở đâu nếu họ cảm thấy thuận tiện cho họ.

Mua BHYT theo hộ gia đình gây phiền phức cho người dân. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông ĐỖ QUANG KHÁNH, nguyên Phó Giám đốc BHXH TP.HCM:

Làm không khéo sẽ có tác dụng ngược

Trước hết, định nghĩa thế nào là hộ gia đình thì vẫn chưa làm rõ vì trong hộ có nhiều nhân khẩu, trong đó có người thân ruột thịt nhưng cũng có người không ruột thịt, người ở trọ… Quan hệ giữa những người trong hộ rất phức tạp vẫn chưa giải quyết tách bạch mà đã áp dụng thực hiện sẽ rất khó nhận được sự đồng thuận cao.

Với những gia đình có thân nhân là quân nhân, công an công tác xa nhà; người đi làm thời vụ, công tác nước ngoài… thì chắc chắn phải mất rất nhiều thời gian xác minh. Ngoài ra có những phiền phức mà khi làm chính sách chưa lường hết được, chẳng hạn những người có bệnh hiểm nghèo cần BHYT liên tục để điều trị nhưng lỡ may trong gia đình có người mất việc không mua BHYT thì cần phải kéo dài thời xác minh mới được mua. Mặt khác, trước đây với hình thức BHYT tự nguyện, ai mua thì mua không ép, nay tăng thêm thủ tục, ràng buộc khiến người dân thấy chán nản dễ buông xuôi. Nguy cơ mua BHYT theo hộ gia đình sẽ sụt giảm.

Với những vướng mắc trên nếu không có hướng dẫn và tháo gỡ kịp thời sẽ rất khó khăn cho việc triển khai thực hiện BHYT toàn dân và sự đồng thuận cao trong xã hội.

Tất cả thành viên thuộc hộ gia đình phải tham gia BHYT. Mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể: Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở (621.000 đồng); người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

(Trích khoản 5 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi,
bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-1-2015)

Trước mắt giải quyết BHYT cá nhân ngắn hạn

Ngày 28-1, TS Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), đã trả lời một số thắc mắc của bạn đọc khi mua BHYT theo hộ gia đình do Pháp Luật TP.HCM chuyển đến.

. Những ngày qua người dân mua BHYT theo hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn, số người mua được rất ít, BHXH Việt Nam có lường trước được những khó khăn này?

Dân bị ngăn tiếp cận BHYT ảnh 4
 
+ TS Phạm Lương Sơn: Trong mấy ngày qua BHXH Việt Nam đã có chỉ đạo cơ quan BHXH của hai TP lớn Hà Nội và TP.HCM cần nhanh chóng thực hiện hai phương án vừa đảm bảo đúng luật pháp, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân có nhu cầu tham gia BHYT. Thứ nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính khi người dân muốn tham gia BHYT theo hộ gia đình. Khi đăng ký, người đại diện phải cung cấp đủ thông tin bao gồm họ tên và mã thẻ BHYT của người đã tham gia theo hình thức khác. Trong trường hợp người đại diện hộ gia đình không nhớ hết hoặc vì lý do bất khả kháng như thành viên trong hộ gia đình đi công tác xa, đi học xa, đi du lịch… thì người đại diện chỉ cần khai và chịu trách nhiệm về những thông tin đã khai. Cơ quan BHXH sẽ phối hợp cùng UBND cấp xã, là đơn vị hành chính được luật giao, rà soát danh sách theo hộ gia đình đó. Chỉ cần cam kết của người đại diện hộ gia đình thì cơ quan BHXH có thể hoàn thiện thủ tục cấp thẻ BHYT cho người dân.

. Có những gia đình không thể mua cùng một lúc cho tất cả thành viên, họ có thể mua cá nhân không?

+ Cơ quan BHXH vẫn tiếp nhận nhu cầu mua thẻ cá nhân và phát hành thẻ đó cho người mua trong vòng ba tháng, sáu tháng. Sau khoảng thời gian vừa đủ để họ hiểu hơn về chính sách, vận động các thành viên trong hộ gia đình cùng tham gia. Kết thúc thời gian đó, không được tham gia theo hình thức cá nhân nữa.

. Những thành viên trong gia đình có thời gian tham gia khác nhau, khắc phục bằng cách nào để mọi người mua cùng một lúc?

+ Chúng tôi đang xây dựng nguyên tắc xác định đến thời điểm nào có thể đồng nhất. Tôi nói ví dụ trong hộ gia đình có người tháng 2, có người tháng 3, có người tháng 5 hết hạn. Chúng tôi đang đưa ra một nguyên tắc quy nạp và sẽ cộng thời gian đó để lấy một mốc trung bình để hộ gia đình đó tham gia một cách đầy đủ.

. Những trường hợp ở trọ, chủ trọ không chấp nhận cho người ở trọ tham gia vào hộ gia đình, hoặc có thành viên lại không tham gia dẫn đến không mua được. Có giải pháp nào không?

+ Đối với những người ở nhà trọ thì chủ nhà trọ phải có trách nhiệm đăng ký tạm trú cho người dân. Khi đăng ký tạm trú cho người dân thì người đó hoàn toàn có đủ tư cách tham gia BHYT theo hộ đó. Trong trường hợp một cá nhân không tham gia thì cộng đồng đó phải có trách nhiệm vận động. Trong giai đoạn chuyển tiếp, không vì một cá nhân đó không tham gia mà chúng ta không phát hành thẻ cho những đối tượng còn lại.

HUY HÀ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm