Theo hệ thống giám sát dịch bệnh trên thế giới, trong các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ngoài Trung Quốc, chỉ có hai học sinh ở Nhật Bản được ghi nhận nhiễm dịch bệnh này. Điểm đáng lưu ý, hai trường hợp này nhiễm bệnh không phải từ môi trường trường học.
Tỉ lệ trẻ nhiễm bệnh thấp
Ngoài ra, cho đến nay, chưa ghi nhận báo cáo có ổ dịch lây nhiễm COVID-19 trong trường học. Tỉ lệ trẻ từ 1-10 tuổi nhiễm bệnh đến nay chiếm 1%, từ 10-20 tuổi chiếm 2%, thống kê chung là dưới 2% nhưng tất cả đều nhẹ.
PGS-TS Phan Trọng Lân đang phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tối 25-2. Ảnh: HL
Thông tin trên được PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nêu ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra tại UBND TP.HCM vào tối 25-2.
Bày tỏ quan điểm cá nhân về việc có nên cho học sinh đi học lại trong thời điểm này, PGS-TS Phan Trọng Lân nêu: “Đánh giá về mặt dịch tễ học, theo cá nhân tôi, các em đến trường khả năng sẽ an toàn hơn... Muốn nghỉ hay không nghỉ học phải đánh giá tình hình dịch tễ”.
Lý giải quan điểm này, PGS Phan Trọng Lân phân tích, môi trường trường học dù đông đúc học sinh nhưng với hệ thống giám sát và các biện pháp tập huấn, phòng ngừa dịch bệnh trong trường học khá bài bản và đầy đủ như hiện nay ở TP.HCM thì khả năng các em đến trường sẽ an toàn hơn.
Theo ông Lân, sở dĩ đa số người lớn được phát hiện nhiễm dịch bệnh này là do họ có sự giao lưu đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Tác nhân lây bệnh có khả năng từ các cuộc hội nghị, đi lại tàu xe... Các em học sinh nếu có đến trường thì sẽ chịu sự giám sát của các thầy cô nên khả năng sẽ an toàn hơn.
(PL)- Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất phương án học sinh lớp 9, lớp 12 đi học từ ngày 2-3, các lớp học còn lại đi học từ ngày 16-3.