Theo “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2011) thì hát dặm là “lối hát dân gian ở Nghệ Tĩnh, nhịp điệu dồn dập, lời dựa vào thơ năm chữ, hai câu cuối bao giờ cũng lặp lại về âm vận và câu chữ”, còn hát ví là “hát đối đáp có tính chất trữ tình giữa trai và gái trong lao động” (như ví đò đưa, ví phường nón, ví phường vải, ví trèo non) v.v...
Tác giả Phan Thanh Bằng đặt vấn đề. Nếu ta viết “dặm” là ta chấp nhận đây là một danh từ. Lúc này dặm có thể chỉ một đơn vị đo độ dài. Đơn vị này ở Trung Quốc hay Việt Nam (trước vẫn dùng) tương đương 444,44m, còn ở một số nước phương Tây (như Anh) thì đơn vị này tương đương 1.609m. Trong tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, dặm còn là từ chỉ một “dụng cụ bắt cá nhỏ, tôm tép ven sông” (Nguyễn Nhã Bản chủ biên, “Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh”, 1999).
Nhạc sĩ Trần Hoàn trong ca khúc "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh", viết "dặm": "Ngày xưa mẹ ru anh bằng câu hò xứ sở, điệu ví dặm quê mình rằng mà thương mà nhớ. Anh qua bao miền quê, câu hò theo chân bước, chiều nay nghe em hát ( ứ ư ư ư ) mà bồi hồi con tim... Ngày xưa Người ra đi vì câu hò ví dặm, tìm khắp bốn phương trời con đường lên no ấm. Hôm nay trên đường đi, sáng ngời theo chân Bác, càng âm vang câu hát (ứ ư ư ư ) cho thắm tình nước non".
Nghe "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" của nhạc sĩ Trần Hoàn
Giặm
Cũng theo "Từ điển tiếng Việt”, Hoàng Phê chủ biên, giặm được hiểu là một động từ, có nghĩa: 1. Đan, vá thêm vào chỗ nan hỏng; 2. Thêm vào chỗ còn trống, còn thiếu cho đủ.
NSND Thu Hiền trình bày "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" của nhạc sĩ Trần Hoàn
Tác giả Đỗ Thị Kim Liên (Tạp chí “Từ điển học & Bách khoa thư”, số 2/2012, tr. 8), viết: “Sở dĩ gọi là giặm bởi bài nào cũng chứa ít nhất một câu lặp lại câu đi trước giữa khoảng trống hai khổ thơ, giống như giặm mạ thêm vào chỗ trống. Bài ít thì chỉ một cặp giặm, bài nhiều thì có đến 12 cặp lặp lại”.
Nghe"Lời Bác dặn trước lúc đi xa" của nhạc sĩ Trần Hoàn
Thừa nhận từ "giặm" nhưng tác giả Nguyễn Văn Ẩm lại lý giải khác: “Giặm trong “hát giặm” không phải chủ yếu là thêm vào hay lặp lại. Ở Nghệ Tĩnh khi người ta đề cập đến giặm ló (lúa), giặm má (mạ) thì ai cũng hiểu rằng ở đâu đó có nhiều thửa ruộng, nhiều khóm ló (lúa) bị chết, cần phải giặm lại, tức là cấy lại vào đúng chỗ những cây lúa, cây mạ bị héo, chết” (Tạp chí “Từ điển học & Bách khoa thư”, số 3/2013, tr. 64).
Thiết nghĩ do thói quen từ trước đến nay viết DẶM nhưng nên viết GIẶM như trong một Hội thảo đã thống nhất.
Theo nhà ngôn ngữ học, tiến sĩ Phạm Văn Tình: "Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ” tổ chức tại TP Vinh, Nghệ An, vào tháng 3.2011. Không ít người cho rằng phải viết là “dặm” mới đúng (và thực tế, đa số các văn bản trước đây, cách viết “dặm” nhiều hơn hẳn so với “giặm”. “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên) còn không thống kê từ “giặm” như một mục từ). Cuối cùng, sau nhiều ý kiến bàn thảo, căn cứ vào nhiều cứ liệu và luận cứ khá thuyết phục, các nhà khoa học đã trao đổi và nhất trí là từ nay (2011) sẽ sử dụng cách viết là GIẶM trên tất cả các văn bản chính thức" (Lao động, 7-9-2013).