Sáng 15-11, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về HIV/AIDS, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết trong sáu tháng đầu năm 2018, nước ta phát hiện 3.500 ca mắc mới HIV, trong đó có 1.824 ca mắc AIDS, 814 người tử vong do HIV.
Như vậy số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 30%, số bệnh nhân AIDS giảm 27%. Riêng số người nhiễm HIV tử vong tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Cảnh, dự báo vẫn còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao, do vậy rất khó phát hiện sớm. Đặc biệt, dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng, điển hình như tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Phú Thọ từng phát hiện 42 người nhiễm HIV trong một thời điểm.
Đáng lưu ý, về nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục ngày càng chiếm tỉ lệ cao. Lây truyền HIV trong nhóm nhóm đồng tính nam có xu hướng tăng nhanh, nhất là trong nhóm đồng tính nam trẻ tuổi. Ước tính cả nước hiện có khoảng 170.000 người đồng tính nam.
"Hiện còn 45.000 người nhiễm đã quản lý được mà chưa tiếp cận với điều trị ARV. Tôi lo lắng những người này có thể không kiểm soát được tải lượng virus sẽ làm lây lan HIV ra cộng đồng qua đường tình dục hoặc tiêm chích không an toàn" - ông Cảnh cảnh báo.
Theo TS Jonh Blandford, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Việt Nam, người nhiễm HIV cần phải điều trị ARV để ngăn ngừa lây truyền cho người khác. Khi điều trị ARV đạt đến mức ức chế virus, hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện, sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục.
"Điều này có nghĩa là người có HIV uống thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến mức đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục" - ông John giải thích.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện cả nước có 209.000 người nhiễm hiện còn sống, tuy nhiên chỉ quản lý được 175.000 người, trong đó đang điều trị bằng ARV cho 130.000 người.
Vừa qua, Bộ Y tế đã có kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV giai đoạn 2018-2020, đang triển khai ở 11 tỉnh, thành. Mục tiêu đến cuối năm 2019 đạt 5.610 người sử dụng PrEP và đến cuối năm 2020 đạt được 7.300 người, là những người trong nhóm nguy cơ cao. |