Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A H7N9 lây từ gia cầm sang người tại Trung Quốc và cúm A H5N1 trên đàn gia cầm ở Campuchia, cuối giờ chiều 20-2, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp khẩn bàn biện pháp chủ động phòng chống và khởi động Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với dịch bệnh cúm gia cầm trên người.
Tại cuộc họp, đại diện Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết trong hai tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận ba ổ dịch cúm A H5N1 tại Bạc Liêu, Nghệ An và Nam Định. Trong đó, ổ dịch cúm gia cầm tại ba hộ thuộc xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh (Nam Định) hôm nay đã tiêu hủy 3.600 con gia cầm. Bên cạnh đó, tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cũng ghi nhận ổ dịch cúm A H5N6 trên gia cầm.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ tháng 10-2016 đến nay, tại Trung Quốc phát hiện 425 trường hợp mắc cúm A H7N9, tập trung ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, gần một nửa trong số đó đã tử vong.
Cũng theo đại diện Cục Thú y, hiện Việt Nam đã lấy hơn 200.000 mẫu xét nghiệm (Trung Quốc lấy 160.000 mẫu) tại trên 100 chợ và các điểm tập kết có nguy cơ xảy ra dịch cao nhưng không phát hiện trường hơp nào dương tính với với virus H7N9. Cục Thú y đề xuất: Để phòng chống dịch, tại những nơi có nguy cơ cần tăng cường việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm. Triển khai việc khử trùng, tiêu độc trên toàn quốc. Đồng thời, cục này cũng đề nghi hai bộ Y tế và NNPTNT làm một bản kiến nghị gửi lên Chính phủ, để Chính phủ ra công điện khẩn về việc phòng, chống dịch bệnh…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nước ta chưa có trường hợp nào mắc cúm A H7N9, H5N1 trên người nhưng vẫn ghi nhận một số ổ dịch cúm A H5N1 trên gia cầm. Hiện chưa có bằng chứng lây truyền cúm A H7N9 từ người sang người. Tuy nhiên, việc giao lưu thương mại, du lịch giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như Campuchia rất lớn đã dẫn đến nguy cơ dịch bệnh cúm A H7N9 và H5N1 có khả năng xâm nhập vào nước ta rất cao.