Việt Nam lại một lần nữa nổi lên là ngôi sao sáng trên bầu trời tăng trưởng

(PLO)- Đại biểu đánh giá cao sự vận hành linh hoạt, kịp thời... giúp tăng trưởng kinh tế cao nhưng cũng cảnh báo, đề nghị có phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mở đầu phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 27-10, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình với nhiều ĐB phát biểu buổi sáng và “xin không nhắc lại những con số về thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian vừa qua”.

Tuy vậy, ông Cường nói rằng: nhiều kết quả của Việt Nam cho thấy “Việt Nam lại một lần nữa nổi lên là ngôi sao sáng trên bầu trời tăng trưởng kinh tế thế giới và là số ít nước được các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm trong năm qua”.

Theo ông Cường, thành công ấy không phải là “tình cờ” mà là kết quả của sự kiên định chủ trương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô không chạy theo mục tiêu tăng trưởng nóng.

Nó là kết quả của sự điều hành linh hoạt, kết hợp một cách uyển chuyển giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, của chính phủ, phản ứng nhanh nhạy, kịp thời thích ứng với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế và sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng, hỗ trợ kịp thời đồng hành của quốc hội.

Điều đó là sức mạnh tạo niềm tin và cho người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư thúc đẩy phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

“Đây là bài học có giá trị bất hủ trong điều hành đất nước, đặc biệt ở những thời điểm đất nước đứng trước khó khăn, thách thức phải vượt qua”, ĐB Cường nói.

Lược qua tình hình trong nước và quốc tế, ông Cường nói: “Trước bối cảnh đó, chúng ta không nên say sưa với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ, thách thức đang đặt ra phía trước”.

ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị chuẩn bị kịch bản xấu nếu xảy ra khủng hoảng kinh tế. Ảnh: PT

ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị chuẩn bị kịch bản xấu nếu xảy ra khủng hoảng kinh tế. Ảnh: PT

Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ, ông Cường khuyến nghị thêm các giải pháp về tận dụng thị trường nội địa 100 triệu dân để làm bệ đỡ cho doanh nghiệp. Và từ bây giờ cần phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước.

Nợ của các doanh nghiệp hiện đang là một thách thức lớn nhưng nợ công vẫn duy trì ở mức khá thấp (43-44%) so với trần nợ công được Quốc hội cho phép là 60% GDP. Sang năm 2023, doanh nghiệp vừa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, vừa phải trả các khoản được giãn, hoãn trong hai năm qua, các khoản nợ đáo hạn.

“Nghĩa vụ tài chính nặng nề như trên sẽ đẩy nhanh doanh nghiệp đi đến bờ vực”, ĐB Cường nhận định.

Ông đề nghị phải chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra khủng hoảng kinh tế và coi chính sách tài khoá ngược để hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp lựa chọn phù hợp.

ĐB Cường ghi nhận việc chuẩn bị nguồn lực đầu tư công cho năm 2023 tăng 38% và đề nghị: ngoài giải quyết các dự án dang dở, đặt hàng để hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn làm trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Lĩnh vực ưu tiên cần đặt hàng là: công nghiệp đường sắt, hậu cần vận tải biển và công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

“Chúng ta không thể cứ đi vay tiền để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng từng tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ, sẽ để lại hậu quả lâu dài do không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và mãi mãi phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài”, ĐB Cường đề nghị.

Ông cũng khuyến nghị Chính phủ nên ưu tiên đặt hàng và dành thị phần trong nước cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực đã đề cập ở trên. Ông bày tỏ tin tưởng các doanh nghiệp, nhân lực trong nước sẽ đủ sức đảm nhận các nhiệm vụ cần thiết cho phát triển.

“Khủng hoảng kinh tế sẽ đặc biệt khó khăn đối với những doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nặng, sản xuất máy móc thiết bị, nhưng lại là cơ hội đối với người có tiền muốn thôn tính tái cấu trúc lại các doanh nghiệp này. Trên thế giới, các cường quốc kinh tế đều phải dựa trên trụ cột là các tập đoàn kinh tế mạnh. Trong khó khăn của khủng hoảng, nhiều tập đoàn kinh tế lớn ra đời nhờ đặt hàng của chính phủ”, ĐB Cường nói.

Ông kỳ vọng giải pháp đặt hàng không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, mà còn cho ra đời thêm các tập đoàn kinh tế mạnh tạo thành trụ cột của nền kinh tế nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tự cường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm