Tăng lương ngay đầu năm 2023 để bớt khó cho viên chức, người lao động

(PLO)- Tăng lương sớm sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương đã gần ba năm qua gồng mình chống chọi và nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-10, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng: việc Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu/tháng “nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri”. Bởi lần tăng lương gần nhất đã cách đây nhiều năm, từ 1-7-2019.

“Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc, thậm chí dẫn đến tình trạng nghỉ việc, chuyển việc thời gian qua”- ĐB Thái nói.

ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: QH

ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: QH

Ông cũng cho rằng sau gần ba năm toàn lực chống dịch, cử tri, nhân dân và những người làm công ăn lương hiểu “ngân sách không thể gồng gánh khoản chi phí khổng lồ cho việc tăng lương hàng năm trong giai đoạn dịch”. Lần tăng lương này ngân sách cân đối hơn 44.000 tỉ đồng là một nỗ lực lớn.

“Vừa tạm yên đại dịch, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách, đây là điều hết sức trân trọng”- ông Thái phát biểu.

Tuy nhiên, ông Thái nói: “Để cho niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn, để nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay, từ kiến nghị của rất nhiều cử tri, tôi trân trọng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định là 6 tháng, thực hiện ngay từ 1-1-2023, thay vì 1-7-2023 như dự kiến”.

Ông Thái nhận định đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương đã gần ba năm qua gồng mình chống chọi và nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch toàn cầu.

Nhìn xa hơn, ông Thái cho rằng: tăng lương là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi để công chức, viên chức gắn bó với nghề ở khu vực công. Đẩy nhanh chính sách cải cách tiền lương mới thực sự là giải pháp căn cơ, lẽ ra nếu không phải quay quắt để chống dịch thì đã được thực hiện từ 2021.

Lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, theo ông Thái, chưa đáp ứng được nhu cầu sống của người làm công ăn lương. Lương thấp không phản ánh được đúng sức lao động mà cán bộ, công chức, viên chức đóng góp. Lương thấp không đủ bù đắp tái sản xuất giản đơn, chưa nói tới tái sản xuất mở rộng, cũng chưa thể bù đắp quá trình đào tạo, tự đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức, để toàn tâm, toàn ý với công việc được giao.

Chính phủ đề xuất chưa cải cách tiền lương trong năm 2023. Ông Thái giả định nếu 2023 đất nước phát triển… thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương.

“Đây là thông tin cử tri quan tâm”, ông Thái nói và cho hay: “Cử tri đang rất quan tâm đến lộ trình cải cách tiền lương và rất trông mong đề án này sớm được thực hiện”. Bởi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu/tháng là quý ở thời điểm hiện tại nhưng chưa đủ để xoá bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và khu vực tư, lương khu vực nhà nước và khu vực thị trường.

Đề cập đến việc hơn hai năm qua có khoảng 15 nghìn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc... ông Thái coi điều chỉnh lương cơ sở và cải cách tiền lương sẽ là giải pháp cơ bản khắc phục tình trạng trên bên cạnh các giải pháp về thị trường lao động, chấp nhận quy luật thị trường.

“Chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì cũng phải cạnh tranh, giữ chân những người tài, những người có năng lực, những người tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả. Cử tri đang rất trông chờ điều đó được thực hiện thông qua cải cách tiền lương”- ông Thái phát biểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm