Dễ thấy rằng vụ kiện này phát sinh có một phần từ sự bất cập của chính sách về kinh doanh vận tải bằng ô tô từng tồn tại trong thời gian dài...
Cụ thể, tuy cho phép thí điểm taxi công nghệ tại năm tỉnh, TP nhưng để kéo dài đến bốn năm màBộ GTVT vẫn chưa ban hành quy định điều chỉnh hoạt động của loại hình vận tải này. Khiếm khuyết lớn đó dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa xe công nghệ với taxi thông thường. Nói như đại diện VKSND TP.HCM ở phiên sơ thẩm là Grab gây thiệt hại cho Vinasun có thể lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu bồi thường của nguyên đơn…
Đại diện Vinasun (trái) và một trong những đại diện của Grab. Ảnh: HY
Chưa hết, sự nhập nhằng trong quản lý, điều hành đã tạo ra những rối bời, hỗn loạn trong đánh giá, xử lý vụ việc của các cơ quan tố tụng dễ gây hoang mang, hoài nghi cho các bên đương sự và dư luận thì chẳng biết đường nào mà lần.
Đơn cử, theo VKSND TP.HCM thì Grab có hành vi trái pháp luật. Thế nhưng lúc thì viện này đề nghị tòa xử cho Vinasun thắng toàn bộ (41,2 tỉ đồng), lúc nói Vinasun không đưa ra được căn cứ chứng minh thiệt hại nên không đủ cơ sở chấp nhận tất cả yêu cầu. Rồi khi TAND TP.HCM xử cho Vinasun được bồi thường 4,8 tỉ đồng thì viện này đã kháng nghị với lý do Vinasun không chứng minh được thiệt hại giảm sút về lợi nhuận chỉ có duy nhất do hành vi trái pháp luật của Grab gây ra.
Đến VKSND Cấp cao tại TP.HCM thì có sự ngược lại ở chỗ cho rằng Grab có sai gì đâu mà phải bồi thường. Chi tiết hơn, trong văn bản bổ sung quyết định kháng nghị của VKSND TP.HCM, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho là Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun, không có lỗi của Grab. Viện trưởng viện này đã đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun...
Giờ thì mọi sự rõ ràng hơn khi HĐXX cấp phúc thẩm cũng có nhiều nhận định tựa như cấp sơ thẩm. Rằng Grab đã vi phạm Nghị định 86/2014, quyết định thí điểm của Bộ GTVT... khi chỉ được phép cung ứng dịch vụ kết nối nhưng lại trực tiếp kinh doanh taxi. Rằng Grab tuy vận tải hành khách như taxi nhưng không phải chịu thuế như các doanh nghiệp vận tải, không phải chịu các điều kiện kinh doanh như taxi, không phải gắn logo, không phải đóng thuế cho người lao động.
Thử hỏi, Bộ GTVT đã quản lý kiểu gì mà để các trái khoáy, bất công như thế tồn tại quá lâu trong ngành kinh doanh vận tải khiến pháp luật như thể đã múa may theo ý chủ quan để các cơ quan pháp luật muốn nói kiểu nào cũng được?
Kết thúc của vụ kiện càng cho thấy vai trò quan trọng của Nghị định số 10/2020 để thay thế cho Nghị định đã lỗi thời 86/2014. Nghị định mới giúp dẹp loạn trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, để cái nào ra cái đó, hạn chế được nhiều bất hợp lý giữa nội dung đăng ký với hoạt động và đòi hỏi của thực tiễn.
Chẳng hạn, xe công nghệ phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Giữa doanh nghiệp cung cấp công nghệ và doanh nghiệp kinh doanh vận tải không còn sự nhập nhằng khiến xe công nghệ có thể gây bất lợi không hợp lý cho taxi thông thường…
Ngẫm ra, Nghị định số 10/2020 đang tạo điều kiện cho người thua kiện Grab có đủ căn cứ tuân thủ pháp luật để được đường hoàng song hành với Vinasun trong một sân chơi bình đẳng. Và chỉ có vậy thì quyền lợi của khách hàng mới được đảm bảo tối đa.