Nhà văn Kim Dung qua đời tại bệnh viện ở Hong Kong do bệnh tật, tuổi già. Ông thọ 94 tuổi.
Nhà văn viết kiếm hiệp hàng đầu Trung Quốc
Nhà văn Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang, Trung Quốc trong một gia đình danh gía. Ông cố ông là một nhà thơ nổi tiếng, ông nội ông tri huyện Đan Dương, tỉnh Giang Tô, cha ông là người buôn bán.
Kim Dung bắt đầu viết tiểu thuyết kiếm hiệp năm 1952 với tác phẩm đầu tay là Thư kiếm ân cừu lục và ngay lập tức tác phẩm này được yêu thích, bán rất chạy.
Từ đó ông chuyên tâm sáng tác tiểu thuyết kiếm hiệp với tổng cộng 15 bộ, tất cả các bộ đều nổi tiếng và được chuyển thể thành phim nhiều lần như: Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Cô gái đồ long, Thiên Long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Bích huyết kiếm, Hiệp khách hành…
Bộ tiểu thuyết kiếm hiệp cuối cùng ông viết là vào năm 1972 với tên Lộc đỉnh ký, cũng là bộ truyện kỳ lạ, đặc sắc, được đánh giá cao nhất của ông về văn chương, xây dựng tính cách nhân vật, tình huống, tính châm biếm, hiện thực phê phán xã hội…
Nhà văn Kim Dung và người vợ đầu.
Hầu hết các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung đều ly kỳ, hấp dẫn với nhiều tình tiết biến hóa khôn lường, nhiều nhân vật độc đáo về tính cách, có tính điển hình cao nên đã đi vào đời sống như một hình tượng ẩn dụ: phóng khoáng như Lệnh Hồ Xung, ngạo nghễ chính trực như Tiêu Phong, ngụy quân tử như Nhạc Bất Quần, lưu manh thời đại như Vi Tiểu Bảo…
Người vợ thứ ba thua ông 28 tuổi ông gặp trong một quán ăn.
Bà theo ông đến trọn cuộc đời.
Không chỉ ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung mới được bán chạy. Ở Việt Nam trước 1975, độc giả say mê truyện kiếm hiệp của Kim Dung như điếu đổ qua văn phong dịch thuật của dịch giả Hàn Giang Nhạn. Còn Kim Dung trở thành nhà văn Trung Quốc có sách bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 300 triệu bản sách đã được bán khắp thế giới.
Đời cũng như kiếm hiệp
Nếu trong truyện kiếm hiệp Kim Dung có những nhân vật tư chất kỳ tài, có những cá tính đặc biệt, đa tình, tình cảm phức tạp, nhiều mỹ nhân thì Kim Dung ngoài đời cuộc sống cũng có nhiều sự hay ho, đặc biệt và đau thương, ngang trái, tranh đấu như truyện của ông.
Từ nhỏ ông đã yêu thiên nhiên, ham đọc sách với tàng thư sách cổ quý hiếm nổi tiếng của gia tộc chẳng khác gì các tàng thư võ học trong truyện của ông và học cực giỏi. 13 tuổi ông đã viết quyển sách hướng dẫm luyện thi vào sơ trung, 15 tuổi viết sách hướng dẫn cho người luyện thi cao trung, tức bạn đồng học. Cả hai quyển sách này của ông đều được xuất bản và bán chạy.
Nữ diễn viên Hạ Mộng - người tình trong mộng của ông là nguyên tác ông mô tả sắc đẹp của nhiều nhân vật nữ tuyệt sắc nên thơ
16 tuổi ông liên tục viết truyện trào phúng, viết báo đã kích những sự trái tai, bất công trong trường học nên có lúc phải chuyển trường, buộc thôi học.
19 tuổi ông tham gia viết rất nhiều tờ báo về chính trị, thành lập những tờ báo riêng cho mình như Hong Kong Minh Báo, tự mình làm chủ biên… Có lúc ông xin vào làm ở thư viện để đọc rất nhiều sách, từ đó viết ra các tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh.
Nữ diễn viên Lưu Diệc Phi vào vai Vương Ngữ Yên - một vẻ đẹp băng thanh ngọc khiết Kim Dung xây dựng trong truyện Thiên Long bát bộ từ mối tương tư, si tình nàng Hạ Mộng ngoài đời.
Ông có ba người vợ. Người vợ đầu con nhà danh giá. Người vợ thứ là bạn đồng làm báo cùng ông, sinh cho ông bốn người con, hai trai hai gái. Người vợ thứ ba là một nhân viên phục vụ, nhỏ hơn ông 28 tuổi và đã sống cùng ông đến cuối cuộc đời. Nhưng như nhân vật Đoàn Dự tương tư Vương Ngữ Yên, đời ông say mê sắc đẹp của nữ nghệ sĩ Hạ Mộng nhưng bà lại lảng tránh ông như Vương Ngữ Yên yêu Mộ Dung Phục vậy.
Các con ông không ai theo nghề văn. Người con trai cả tự tử vì tình. Người con trai thứ hai làm đầu bếp. Người con gái thứ ba bị điếc làm báo cùng cha. Người con gái út theo ngành hội họa. Nhưng ông bảo mình không có gì để nuối tiếc khi con không theo nghiệp văn. Bởi theo ông, văn cũng như đời, nhân vật của ông trọng nhất là bản ngã. Không gì vui thú bằng việc một người được sống theo niềm yêu thích của mình.