Vĩnh biệt nhạc sĩ Phó Đức Phương

 
Ca khúc "Chảy đi sông ơi" của nhạc sĩ Phó Đức Phương với giọng ca Ngọc Tân. Cả ca sĩ và nhạc sĩ nay đã giã biệt khán giả...

Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã qua đời vào trưa nay (19-9) tại một bệnh viện ở Hà Nội sau khi phát hiện ung thư tuỵ vào tháng 4-2020. Khoảng một tháng qua ông điều trị tại nhà và bệnh trở nặng hơn nên ông đã nhập viện trở lại một tuần nay.

Ca sĩ Tùng Dương, một người gần gũi với con người lẫn âm nhạc Phó Đức Phương đã viết trên Facebook cá nhân: “Vĩnh biệt chú Phương. Cháu sẽ luôn nhớ chú. Người tráng sĩ Sông Hồng mạnh mẽ nhất mà cháu từng biết”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương và ca sĩ Tùng Dương. Ảnh: NVCC

Ca sĩ Tùng Dương là người phụ trách biên tập âm nhạc cho đêm nhạc Khúc hát phiêu ly, một đêm nhạc Phó Đức Phương cuối cùng vừa diễn ra vào ngày 10-7 vừa qua. Ngoài mối quan hệ là nhạc sĩ, ca sĩ…, nhạc sĩ Phó Đức Phương còn xem Tùng Dương là một người bạn.

Âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương theo như Tùng Dương đó là “một trong những nhạc sĩ gạo cội đặt nền móng cho nhạc nhẹ Việt Nam. Bởi nhạc Phó Đức Phương dù pop, rock thì vẫn mang tính dân gian. Tinh thần dân gian trong ca từ, giai điệu vô cùng đậm đặc. Ở đó người nghe sẽ thấy một nỗi day dứt về quê hương, đất nước, cả sự hào sảng, tinh thần dân tộc rộng lớn”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng khán giả trong đêm nhạc Trên đỉnh Phù Vân vào cuối năm 2016. Ảnh: Facebook Phó Đức Phương

Trong ký ức của nhạc sĩ Dương Cầm, điều mà anh nhớ nhất khi nghĩ về nhạc sĩ Phó Đức Phương đó là cái cách mà ông xưng hô “cậu - tớ” khi nói chuyện, mặc dù khoảng cách tuổi tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương và anh vô cùng lớn.

“Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người rất tận tâm với âm nhạc. Tôi nhớ, có lần một thí sinh thi Sao Mai hát bài hát của ông, được ông gọi đến nhà và chỉ dạy tận tình từng nốt, từng câu nhạc, không chỉ một ngày mà còn nhiều ngày sau đó. Sau đó nhạc sĩ còn gọi trực tiếp cho Dương Cầm để trao đổi và dặn dò những ý tưởng rất cẩn thận.  Hát nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương không có dễ, mà làm hoà âm phối khí tác phẩm của ông còn khó hơn nhiều.

Các sáng tác của ông thường đa dạng về cấu trúc, có nhiều bài rất phức tạp nhiều đoạn, nhiều khúc, giai điệu thì trúc trắc cứ như là thử tài người phối khí vậy. Để phối hay được bài của ông thì phải nghiên cứu kĩ lắm, mà có khi còn phải gọi điện để hỏi rõ ý của tác giả, nhưng quan trọng nhạc sĩ Phó Đức Phương khá cởi mở về tư tưởng nên sau này giới nhạc sĩ trẻ chúng tôi hoà âm bài hát của ông theo lối hiện đại hơn, gần với nhạc điện tử bây giờ vẫn được ông đón nhận và ủng hộ”, nhạc sĩ Dương Cầm chia sẻ.

Vĩnh biệt người nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho vấn đề tác quyền âm nhạc Việt Nam. Ảnh: TL

Với âm nhạc của Phó Đức Phương, người nghe có thể cảm nhận được không gian bao la, hùng vĩ của miền núi phía Bắc; sự thường hằng của những dòng sông, mặt hồ… Và cho đến giờ, rất hiếm nhạc sĩ có nhiều ca khúc đặt hàng nhưng lại trở thành những bản nhạc bất hủ.

Những bài hát như Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân, Không thể và có thể… đều lần lượt là những bài hát được đặt hàng cho các vở kịch Thuyền lá (Nhà hát Kịch trung ương), Yêu trên đỉnh Phù Vân (Đoàn kịch Hải Phòng), Không thể và có thể (Đoàn kịch Nam Định)… Người nghe quên mất những vở kịch nhưng những bài hát của Phó Đức Phương lại ở lại…

Và hôm nay, nhạc sĩ Phó Đức Phương đi xa, nhưng như bao lần, âm nhạc của ông vẫn ở lại với nghệ sĩ, khán giả Việt…

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hưng Yên. Ông được biết đến với nhiều ca khúc: Chảy đi sông ơi, Hồ trên núi, Trên đỉnh Phù Vân, Một thoáng Tây Hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Khúc hát phiêu ly...

Ông là nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho vấn đề tác quyền âm nhạc khi từng là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm